Home » Thi - Tuyển sinh » Sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017

Sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017

Hoàn thành những đầu việc quan trọng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, cho đến thời điểm này, 6 nhóm công việc đã được thực hiện, đó là: Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, nâng cấp kết cấu hạ tầng CNTT; tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh; tăng cường truyền thông về thi, tuyển sinh; chuẩn bị ra đề thi; tổ chức đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển.

Cụ thể, hiện nay, các phần mềm phục vụ công tác tổ thi và đăng ký xét tuyển đã hoàn thành; phần mềm hỗ trợ công tác xét tuyển của các trường, phần mềm lọc ảo đang được rà soát lần cuối để tập huấn cho các cơ sở giáo dục đại học vào tháng 5/2017.

Bộ GDĐT đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh năm 2017 cho lãnh đạo phụ trách thi, tuyển sinh của 63 Sở GDĐT, 270 trường ĐH, CĐ trong toàn quốc, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và cán bộ, chuyên viên làm công tác thi, tuyển sinh; cán bộ chuyên trách CNTT của các đơn vị. Công tác tập huấn tập trung vào những điểm mới và các vấn đề sai sót thường xảy ra ở các năm trước.

Với việc chuẩn bị ra đề thi, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ma trận đề thi kỳ thi THPT 2017 được xây dựng phù hợp với hình thức thi theo bài thi đã công bố, theo hướng tiếp tục thực hiện đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hóa kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GDĐT đã xây dựng các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm làm cơ sở cho giáo viên, học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập. Đề thi minh họa và thử nghiệm được dư luận xã hội đánh giá tích cực về nội dung, về phương thức thi trắc nghiệm khách quan cũng như ý nghĩa tác động đối với việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Bộ cũng đã gấp rút bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục; huy động giáo viên THPT giỏi của 63 tỉnh thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT, có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra, đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao, tuân thủ các quy định bảo mật tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

“Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, đảm bảo tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia 2017” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định.

Về tổ chức đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy từ ngày 1/4/2017 đến hết ngày 20/4/2017. Trong quá trình này, không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối; hệ thống CNTT hoạt động ổn định, thông suốt, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng…; công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ quy định…

Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GDĐT hướng dẫn các Sở GDĐT, các trường THPT giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Đặc biệt, một số Sở GDĐT xây dựng giải pháp khả thi, nỗ lực thực hiện và hoàn thành sớm việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ thí sinh (đặc biệt là thí sinh tự do) vẫn chưa nắm vững các quy định, dẫn đến có sai sót trong đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển. Hạn chế này đặt ra yêu cầu phải hướng dẫn kỹ hơn các quy định về thi và tuyển sinh tại các điểm đăng ký dành cho thí sinh tự do.

Thống kê dữ liệu cho thấy, năm nay tỷ lệ thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

“Việc thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn bài thi khoa học tự nhiên, trong khi đăng ký xét tuyển vào ĐH khối ngành tự nhiên vẫn chiến tỷ lệ áp đảo so với khối ngành xã hội là tín hiệu cho thấy đổi mới phương thức thi, từ thi theo môn sang thi theo bài, từ thi chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa báo cáo tại  Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc sáng 15/5.

6 nhóm công việc tiếp tục triển khai

Kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nói rõ 6 nhóm công việc, đó là:

Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi;

Thứ 2: Tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GDĐT, nâng cấp kết cấu hạ tầng CNTT nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong thi và tuyển sinh;

Thứ 3: Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các Sở GDĐT, công tác chuẩn bị tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ;

Thứ 4: Giải đáp các băn khoăn, thắc mắc về thi và tuyển sinh, hướng dẫn xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh;

Thứ 5: Chỉ đạo các Sở GDĐT và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tăng cường chỉ đạo kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh các trường phổ thông thuộc quyền quản lý.

Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (đối với Cục Nhà trường) thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Xây dựng phương án tổ chức thi thực tế và khả thi; phương án huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo; tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia; xây dựng các phương án huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi và phương án dự phòng ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Thứ 6: Chỉ đạo các trường ĐH, CĐ phối hợp chặt chẽ với các Sở GDĐT liên quan trong công tác chuẩn bị và tổ chức thi, bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia kỳ thi theo điều động của Bộ GDĐT, đảm bảo đúng quy định của Quy chế; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi và tuyển sinh;

Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ công tác tuyển sinh; thiết lập đường dây nóng và phân công cán bộ nắm vững Quy chế để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của thí sinh.

Các trường cần có cán bộ phụ trách truyền thông, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; tuyên truyền những lợi ích của việc đổi mới thi/tuyển sinh mang lại cho thí sinh, nhà trường và xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngành Kỹ thuật xây dựng Trường đại học Xây dựng

1. Chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp môn xét tuyển     Chỉ tiêu tuyển sinh: 400       Tổ ...