Chủ trì hội thảo
Nhằm
đánh giá kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn dạy học môn Đạo đức (Tiểu học),
Giáo dục công dân (THCS, THPT); Công tác đào tạo giáo viên Đạo đức, Giáo dục
công dân trong những năm đầu của thế kỷ 21; Đề xuất định hướng đổi mới chương
trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá Đạo đức – Giáo dục công
dân ở trường phổ thông Việt Nam trong thời gian tới, phục vụ việc đổi mới
chương trình giáo dục phổ thông sau 2015…Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về Giáo
dục đạo đức – Công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam trong hai ngày 10, 11
tháng 8 năm 2013 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tham dự Hội
thảo có bà Lâm Phương Thanh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW; Ông Phạm Tất Thắng
– Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi
đồng của Quốc hội; Đại diện lãnh đạo các Vụ của Ban Tuyên giáo TW; Văn phòng
Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Bộ GDĐT; Bộ VHTTDL; TW Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh; Các nhà khoa học, các trường đại học, các Sở GDĐT và một số
giáo viên trực tiếp dạy học môn Đạo đức, Giáo dục công dân của một số trường
phổ thông trong cả nước.
Phát biểu khai mạc
Hội thảo, Thứ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao những đóng góp
của môn Đạo đức – GDCD trong việc giáo dục học sinh ý thức và hành vi của người
công dân; góp phần hình thành và phát triển ở các em những phẩm chất và năng
lực cần thiết; đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn vừa qua và phù hợp
với xu thế quốc tế trong hơn một thập kỷ qua. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế,
tồn tại trong dạy và học Đạo đức – GDCD trong trường phổ thông là: Nội dung
chương trình hiện hành còn nhiều điều chưa hợp lý, nặng giáo dục chính trị, nhẹ
giáo dục kỹ năng sống, coi trọng lý thuyết, chưa chú ý vận dụng, thực hành,
chưa yêu cầu thể hiện qua việc làm và hành vi cụ thể trong đời sống. Nhiều bài
học trong SGK môn Đạo đức – GDCD còn khô khan, gượng ép, chưa phù hợp với đặc
điểm tâm sinh lý lứa tuổi và tình cảm của học sinh. Một số kiến thức triết học,
kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học … còn khá trừu tượng, khó hiểu đối
với học sinh phổ thông, chưa chú ý đúng mức tính liên thông, tích hợp nội dung
dạy học môn Đạo đức – GDCD với các môn khoa học khác; Kết quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa
rõ, chủ yếu vẫn dạy chay, thuyết trình, đọc chép, độc thoại một chiều; rao
giảng đạo lý; lệ thuộc nhiều vào SGK và tài liệu hướng dẫn giảng dạy, thiếu
sáng tạo trong tổ chức các hoạt động dạy học. Kiểm tra, đánh giá kết quả học
tập còn nặng về hình thức, phổ biến vẫn là kiểm tra kiến thức, chưa chú trọng
KTĐG năng lực, phẩm chất đạo đức của học sinh…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Môn Đạo đức – GDCD là môn
học góp phần trực tiếp hình thành nhân cách học sinh thông qua việc làm quen và
tiếp thu, thực hành và trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày các quy phạm đạo
đức, lễ tiết cần thiết, ứng xử đúng đắn trong quan hệ giữa cá nhân với các
thành viên trong gia đình và bên ngoài xã hội, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa
vụ của công dân… để hoàn thành sứ mệnh vừa vinh quang, vừa rất nặng nề đó, cần
phải có quyết tâm và nỗ lực lớn trong việc đổi mới môn học. Trước hết là đổi
mới cách tiếp cận chương trình; đổi mới nội dung và yêu cầu chuẩn chương
trình.
Hội thảo đã tập trung bàn bạc, trao đổi và làm rõ một số vấn đề cơ
bản như: Đặc trưng và mục tiêu môn học; Định hướng phát triển năng lực học
sinh; Các mạch nội dung cần thiết nhất của môn Đạo đức – GDCD theo yêu cầu phát
triển năng lực học sinh, những nội dung nào có thể tích hợp với các môn học
khác hoặc tích hợp vào các chủ đề liên môn mà không nhất thiết phải dạy hoc ở môn
Đạo đức – GDCD; Các vấn đề về SGK môn học, định hướng đổi mới PPDH, KTDG sau
2015 là như thế nào; Những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Đạo
đức, GDCD ở trường phổ thông?
Hội thảo đã nhận được gần 200 báo cáo, tham luận bằng văn bản và
nhiều ý kiến trực tiếp tại các tiểu ban
(Tiểu ban chương trình, SGK; Tiểu ban PPDH, KTĐG; Tiểu ban đào tạo, bồi dưỡng
giáo viên)
Hội thảo Quốc gia về Giáo dục đạo đức – Công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam có ý nghĩa
và nhiều đóng góp cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nói chung và
đổi mới giáo dục, dạy học môn Đạo đức, GDCD nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới
của giáo dục Việt Nam
sau 2015.
Thứ trưởng Bộ GDĐT với đoàn đại biểu Sở GDĐT Nghệ An
Bài và ảnh: Nguyễn Thị Kim Ngân
Phòng Giáo dục Trung học