Home » Tin giáo dục » Chị ơi, em lại được đến trường!

Chị ơi, em lại được đến trường!

Câu chuyện xúc động như cổ tích giữa đời thường được Nguyễn Hoàng Oanh – cô bạn đam mê công tác xã hội trải lòng với tôi trước lễ khai giảng năm học mới. Một tháng trời cầu cứu khắp cơ quan, tổ chức, cá nhân với bao nhiêu hồi hộp, có lúc tột cùng thất vọng, cuối cùng, hành trình trở khát vọng tới trường của 3 em nhỏ mồ côi cũng có một cái kết đẹp.

Mồ côi hiếu học


 
 
 

Oanh kể: “Ngôi nhà thứ 2” là nơi có 9 em nhỏ mồ côi yêu thương nhau như một gia đình. Sau 4 năm miệt mài đã có 2 em tốt nghiệp THCS và 1 em tốt nghiệp Tiểu học

Hoàng Thị Lý là chị cả trong “ngôi nhà thứ 2”. Em được đón về từ thôn Mai Xá (Mỹ Xá – Nam Định). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hai chị em. Bố đột nhiên qua đời do gạch đè chết khi đang làm phụ hồ thuê, mẹ đau ốm liên miên không đủ sức kiếm tiền nuôi các con ăn học. Lý thường xuyên phải sang nhà hàng xóm vay từng bát gạo, đi xin từng ngọn rau để 3 mẹ con sống qua ngày. 

Bốn năm trước, Lý gầy còm đen thui, thương mẹ nên có cơ hội học tập em luôn cố học thật giỏi. 4 năm liền học tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Lý luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THCS đạt loại giỏi, thi chuyển cấp 3 tại trường THPT Trần Nhân Tông đạt tổng điểm 51,5, em hy vọng được học tại Trường THPT Trần Nhân Tông để phấn đấu học giỏi thực hiện ước mơ. 

Cũng bằng tuổi Lý, em Cao Ngọc Linh là con út sinh ra tại Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu – Nghệ An). Nhà Linh có 4 anh em thì anh cả và chị thứ 3 bị câm điếc bẩm sinh. Năm Linh 3 tuổi bố mất, mẹ bị truy cứu trách nhiệm hình sự 13 năm do làm đồng chăng dây điện bẫy chuột khiến chết người. Linh phải sống với dì từ nhỏ. Nhà dì cũng có 4 người con, vợ chồng chỉ làm ruộng nuôi 10 miệng ăn là quá khó khăn nơi miền Trung nắng cháy. Linh được chính quyền xã giới thiệu tới sống tại “Ngôi nhà thứ 2”. Suốt 4 năm học tại trường THCS Vĩnh Tuy em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THCS đạt kết quả giỏi. Thi chuyển cấp 3 tại trường Trần Nhân Tông đạt tổng điểm 46 và em hy vọng được học tại Trường THPT Đoàn Kết-Hai Bà Trưng.

Nguyễn Tuấn Anh (quê An Nội – Bình Lục – Hà Nam) hoàn cảnh cũng rất đáng thương. Từ nhỏ tới giờ em không biết cha mình là ai, mẹ bỏ đi từ nhỏ, em sống tại nhà bác. Tuy nhiên, phải nuôi thêm một đứa cháu không mong muốn cũng phiền lòng. Em thường xuyên bị đánh đập, thậm chí bị dìm xuống ao,…may được chính quyền xã cứu giúp đưa tới “Ngôi nhà thứ 2”. Tuấn Anh học tại Trường tiểu học Quỳnh Mai. Cả 5 năm học em đạt danh hiệu học sinh giỏi và lúc nào cũng khao khát được tiếp tục tới trường. 

Nhưng, vì là trẻ mồ côi, chưa có hộ khẩu Hà Nội, nên dù kết thúc bậc học với thành tích xuất sắc các em vẫn phải đối mặt với sự thật đáng sợ: Có thể không được tiếp tục đến trường!

Hành trình tìm lại ước mơ


Mẹ con cô Oanh và “học trò” yêu
 

Trong đầu bao suy nghĩ, lo lắng, không biết mình làm cách nào giúp các em được trường nhận học bây giờ? Ba em mồ côi, mỗi em đến từ một tỉnh và có hoàn cảnh khó khăn cực khổ khác nhau. Thương các em chịu cuộc sống thiệt thòi hơn bao bạn nhỏ khác. Thương các em đã biết đoàn kết yêu thương, bảo ban nhau học hành để cùng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Càng nghĩ lại càng thấy lo cho tương lai của các em, nếu không được đến trường các em sống ra sao? 

Đến trường cấp 3 Trần Nhân Tông gặp thầy Hiệu trưởng: “Thầy ơi, em bảo trợ cho em học sinh mồ côi Hoàng Thị Lý. Em xin làm thủ tục nhập học cho bé”. Thầy bảo:“Thầy quý trọng tinh thần vượt khó học giỏi của em Lý. Nhưng theo quy định, em Lý không được xét tuyển vì không có hộ khẩu Hà Nội. Em lên sở GDĐT xin ý kiến xem thế nào? Các em học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu thì được đặc cách chứ các em mồ côi thì chưa có quy định. Nếu sở GDĐT đồng ý thì nhà trường luôn sẵn lòng chào đón em Lý về trường”.

Vậy là không ổn. Chạy xe lên sở GDĐT Hà Nội, sau thời gian chờ đợi rất lâu mình nhận được câu trả lời:  “không được đâu em. Đây là quy định rồi. Các trường phổ thông công lập chỉ xét tuyển học sinh có hộ khẩu Hà Nội. Trường hợp của em chúng tôi không giúp gì được đâu” 

Lòng nặng trĩu, buồn quá. Biết làm sao bây giờ? Đã là quy định của nhà nước ắt phải thực hiện nghiêm minh. Chẳng lẽ các em phải thất học sao? Về gặp tụi nhỏ mình sẽ trả lời các em thế nào bây giờ?…… không được, phải có cách nào chứ? Mình nghĩ xem nhờ ai bây giờ? 

Thế là mình cầu cứu giáo sư Nguyễn Lân Dũng, được giáo sư gợi ý gửi đơn lên Đại biểu Quốc hội xin giúp đỡ. Tâm sự với người bạn đang công tác tại Bộ Văn hóa thì được bạn tư vấn nên xin sự giúp đỡ của UBND Thành phố Hà Nội. Gọi điện cho anh bạn trên văn phòng ủy ban được anh hướng dẫn “Việc này quan trọng cho tương lai của 3 em nhỏ mồ côi, em nhanh chóng viết đơn và chuyển hồ sơ của các em để anh xin ý kiến lãnh đạo giúp”. Nghe vậy, trong lòng lại tràn đầy hy vọng. 

Xin được chứng nhận em Lý là học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu cũng khá vất vả, vui mừng cầm đơn chạy thẳng lên UBND thành phố Hà Nội. Trời mưa to tầm tã, vừa đi vừa lo lắng không biết câu trả lời của Ủy ban thế nào? Hồi hộp chờ đến ngày thứ 2, mình nhận được câu trả lời:“Văn phòng Ủy ban gửi công văn tới Sở GDĐT để chờ quyết định từ Sở chứ Ủy ban không làm sai quy định được. Vì còn nhiều đối tượng, nhiều hoàn cảnh khác nữa. Em đưa tài liệu sang Sở GDĐT chờ quyết định nhé”.  Nghe thấy vậy, tôi thấy lòng buồn bã, hy vọng sao thấy mong manh quá! 

Bí quá, đánh liều nhờ sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng, thầy Chiếu Tuệ, thầy Minh Tông, thầy giải Hiền – Hội trưởng Hội Sự nghiệp từ thiện Minh Đức, bác Chủ tịch Hội Người khuyết tật,… Tất cả đều phải chờ. 

Nhưng thời gian không cho phép, bởi đã rất sát ngày nhập học rồi. Cả nhà nuôi dưỡng lo lắng, buồn. Nhờ một người bạn công tác bên ngành giao thông hỏi cách làm thủ tục nhập khẩu cho các em, nhưng cũng không tìm thấy tia hy vọng.Cầu cứu cô Ngô Thanh Hằng – người phụ nữ thành đạt và có tấm lòng nhân ái, cô gợi ý: “Các con nên gặp trực tiếp lãnh đạo sở GDĐT, cô tin các cô chú bên ấy sẽ tạo điều kiện giúp đỡ các em thôi”.

Vui mừng quá, cảm giác có thêm con đường mới tươi sáng hơn để bước tới. Những ngày sau đấy, tôi đến sở GDĐT, cuối cùng sau vài ngày cũng gửi được hồ sơ của các em tới Trưởng phòng quản lý thi kiểm định chất lượng giáo dục.

Mấy ngày sau, tôi giật mình vui sướng khi nhận được điện thoại của chú Độ – Giám đốc Sở. Chú nói đã xem hồ sơ về các em mồ côi và rất thương, muốn các em được đi học để tiếp tục thực hiện mơ ước. Chú đã xem xác nhận tạm trú của công an “các cháu đã sinh sống và học tập tại “ngôi nhà thứ 2” từ năm 2009 tới nay”. Thế nên các cháu đủ điều kiện để làm thủ tục nhập khẩu theo đúng quy định của Luật cư trú. Rồi chú hướng dẫn tôi hãy tới công an để làm thủ tục nhập khẩu cho các em. Tôi mừng rỡ và thấy tự tin như được truyền thêm sức mạnh.

Ngay hôm sau tôi tới công an trình bày hoàn cảnh của các em, các chú rất cảm thông. Bốn ngày sau, chú công an đã tới tận nhà để tìm hiểu. Chủ nhà đồng ý cho các cháu nhập khẩu. Hai ngày hôm sau, đã có xác nhận cho 3 em mồ côi đang hoàn tất thủ tục nhập khẩu để nộp lên sở GDĐT.  Tôi vui mừng cầm đến Sở để bổ sung vào hồ sơ, được trả lời: “Được rồi cứ để đây nhé, khi nào có kết quả tôi sẽ báo lại”. Vậy là lại phải chờ quyết định, lại tiếp tục hồi hộp, lo lắng.

Rồi em Lý vừa khóc vừa nói với tôi:  “chị ơi, chị đừng xin cho em nữa, em về quê vậy. Nếu ở quê không nhận em học cấp 3, em sẽ học lại lớp 9 đến năm sau thi lên lớp 10. Chứ chị cứ chạy vạy đi xin khổ quá!”. Nghe em nói vậy mà thấy xót xa, buồn muốn lả người đi, nước mắt cũng rơi theo.

Hai ngày sau, tôi nhận được tin nhắn “2h30 em đến sở lấy kết quả cho mấy bé mồ côi nhé”. Vui mừng quá! Lên tới nơi, một hàng dài người ngồi đợi. Trời nắng như thiêu đốt, cùng với lửa trong người, mồ hôi ướt đẫm áo.

Cầm quyết định của Sở đồng ý cho các em chuyển cấp, không thể tả hết niềm vui sướng. Tin vui này, người đầu tiên tôi báo là Đạt – người bạn thân, dù hỏng mắt nhưng rất nghị lực. Bạn đang cùng tôi tổ chức lớp học dạy tiếng anh và tin học miễn phí cho trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, học sinh nghèo. Chính bạn là người đã nhiều lần lặn lội trời mưa từ Bắc Ninh sang Hà Nội đồng hành cùng tôi chạy tới các cơ quan xin cho mấy em mồ côi đi học.

Biết tin các em được nhập học công lập thành công, các thành viên trong Ngôi nhà thứ 2 mừng quá ôm nhau khóc. Những ngày sau đó, chúng tôi liên tiếp nhận được lời chúc mừng, động viên, khích lệ từ mọi người. Cám ơn tất cả. Cảm ơn vì lòng nhân ái đã làm thay đổi cuộc sống của các bé mồi côi. Được học tập tại Hà Nội, chắc chắn các em sẽ có một tương lai rạng rỡ, tươi sáng!

HIếu Nguyễn (Ghi)

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...