Home » Tin giáo dục » Giáo dục đạo đức, pháp luật trong nhà trường: Cần một vị trí xứng đáng

Giáo dục đạo đức, pháp luật trong nhà trường: Cần một vị trí xứng đáng

(GDTĐ) – Giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh giúp các em hiểu và hình thành những đức tính cần có của con người, có kiến thức cơ bản về pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vai trò của môn học dạy làm người thì đã rõ ràng nhưng thực tế ở các trường phổ thông, CĐ, ĐH hiện nay cho thấy đây vẫn bị coi là môn phụ, với số tiết dạy ít ỏi cùng với đội ngũ giáo viên vẫn kiêm nhiệm là chính.

Trang bị kiến thức, trao kỹ năng sống cho học sinh

Ngành GDĐT đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm đưa công tác giáo dục Luật giao thông vào các trường học

 

Hiệu trưởng Trường tiểu học Cẩm Thượng (TP Hải Dương, Hải Dương) Đào Thị Kim Thoa cho rằng giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh là một quá trình lâu dài, liên tục. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi tâm lý cha mẹ thường quan tâm đến việc học kiến thức hơn kỹ năng sống, chu cấp đầy đủ vật chất ít chăm lo về mặt tinh thần cho trẻ thì việc dạy đạo đức, lối sống trong nhà trường lại càng cần thiết. Theo cô Thoa, việc dạy đạo đức cho trẻ phải tiến hành ngay khi học lớp 1. Ở lứa tuổi này, bài học đạo đức chỉ đơn giản là giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, nhà trường qua câu chuyện, bài học thực tế trong trường. 

Giáo dục đạo đức cũng là cách để hình thành ý thức tự học, nề nếp ở mỗi học sinh giúp các em biết quan tâm đến bạn bè, gia đình, thầy cô và mọi người xung quanh. Cô Thoa cho biết: Bên cạnh việc giáo dục để các em hiểu và hình thành những đức tính cần có của con người,  nhà trường cũng tiến hành giáo dục pháp luật cho các em. Thông qua cuộc thi vẽ tranh, buổi nói chuyện vào giờ chào cờ đầu tuần, nhà trường giúp các em hiểu hơn về an toàn giao thông, những tệ nạn xã hội  hay thói quen xấu cần tránh.

Học sinh sinh viên  là những người đang được đào tạo trong nhà trường và sẽ trở thành công dân của xã hội. Bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghề nghiệp thì vấn đề trang bị ý thức đạo đức, chấp hành pháp luật cũng rất quan trọng để các em sau khi ra trường thành người vừa có tài vừa có ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật tốt. Theo TS Lê Vũ Nam, Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế – Luật (ĐH quốc gia TPHCM), với quan điểm trên, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ngoài nhiệm vụ đào tạo sinh viên ngành Luật còn có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục pháp luật cho sinh viên các khoa khác, các trường học và khu dân cư trên địa bàn. Cụ thể, khoa Luật đã thành lập đội thanh niên xung kích, tuyên truyền giáo dục pháp luật  với hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các phiên tòa gia đình. “Đây là hình thức trực quan, sinh động, gây ấn tượng, có tác dụng, hiệu quả đối với ý thức tuân thủ pháp luật trong nhà trường và ngoài cộng đồng” – TS Nam nhận định.

Còn em Đỗ Hà Phương, học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: Chương trình giáo dục đạo đức, pháp luật  trên lớp đã giúp chúng em có được kiến thức cơ bản về pháp luật, biết những việc mình được làm – không được làm. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức, pháp luật cũng giúp chúng em hình thành thói quen tốt, kỹ năng sống, những đức tính cần có của con người, qua đó sống tốt hơn, biết quan tâm đến bạn bè, gia đình và thầy cô cũng như những người xung quanh. 


Tuyên truyền về luật giao thông và ATGT tại các trường học
 

Cần đội ngũ giáo viên chuyên trách

Vai trò, vị thế của môn Giáo dục công dân (GDCD) đối với việc hình thành nhân cách, ý thức pháp luật đối  với học sinh sinh viên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học trên lại đang là vấn đề đáng bàn. Thống kê của 60/63 Sở GDĐT cho thấy số giáo viên giảng dạy môn GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành đang tham gia giảng dạy hiện mới đạt 43%. Số còn lại phần lớn được đào tạo ghép môn chuyên ngành 2 (Văn – GDCD, Sử – GDCD và các ngành khác). Ở một số địa phương, tỷ lệ giáo viên dạy chéo môn hoặc chưa được đào tạo đúng chuyên ngành còn khá cao. Đối với bậc THCS, tỉnh Nam Định có trên 82% giáo viên dạy chéo môn hoặc không đúng chuyên ngành đào tạo. Tỷ lệ trên ở Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Giang lần lượt là  35,2%, 38% và 61%. Ở bậc THPT, số giáo viên dạy chéo môn hoặc đào tạo không đúng chuyên ngành tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao (TPHCM: 15,35% và 18,37% ở Tiền Giang). 

Giáo viên dạy chéo môn, đào tạo không đúng chuyên ngành dạy GDCD không chỉ diễn ra ở các trường phổ thông mà ở các trường CĐ, ĐH cũng phổ biến. Thống kê  tại 25 trường CĐ sư phạm với 100 giảng viên pháp luật cũng chỉ có 12 giảng viên có trình độ đúng chuyên môn Luật, 78% giảng viên còn lại chủ yếu được đào tạo từ các ngành Triết học, Lịch sử Đảng, GD chính trị, Quản lý nhà nước. Trong số 102 trường ĐH với 957 giảng viên cũng chỉ có 567 giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Tại 107  trường TCCN, cũng chỉ có 130/236 giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành…

Cô Phan Thị Sơn, giáo viên  phụ trách môn GDCD Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (TP Ninh Bình, Ninh Bình) chia sẻ: GD đạo đức, pháp luật cho học sinh sinh viên là cả một quá trình, bắt đầu từ trường mẫu giáo cho đến khi học CĐ, ĐH. Do vậy đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng sư phạm, am hiểu pháp luật thì việc giảng dạy sẽ đúng định hướng và việc truyền đạt kiến thức sâu hơn, giúp học sinh  nhận thức tốt hơn so với việc giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy. Cũng theo cô Sơn, trong khi nguồn giáo viên chưa đủ thì việc cần làm là tập huấn thường xuyên, định kỳ cho giáo viên. Tập huấn sẽ giúp giáo viên có được kiến thức cơ bản, giúp việc giảng dạy môn GDCD, GD pháp luật không còn đơn thuần là cầm quyển sách lên đọc mà là định hướng  cho các em những suy nghĩ, nhận thức ban đầu để các em có thái độ, hành vi ứng xử phù hợp.

La Giang

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...