Home » Tin giáo dục » Giáo dục STEM

Giáo dục STEM

Đơn cử, người ta cần tính đến sự tác động của lực khi chạy, khi đi bộ (vật lý‎); tính toán chất liệu để làm ra đôi giày khi có sự phản ứng hóa học của mồ hôi, nước, chất tẩy rửa (hóa học); tính toán độ cân bằng giữa đế giày và trong lượng cơ thể (toán học)…

Một người giỏi toán, giỏi hóa học hay giỏi vật lý sẽ không giải quyết được vấn đề trên, nhưng nếu giỏi cả 3 và còn giỏi thêm công nghệ, kỹ thuật nữa thì sao?

Nghe có vẻ hoang đường nhưng lại hoàn toàn có thể với Giáo dục STEM. Đây cũng là xu hướng phát triển giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Math).

Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Giáo dục STEM sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.

Ví dụ, khi học một chủ đề về hệ mặt trời, học sinh không chỉ đơn thuần học về khoa học để nghiên cứu xem hệ mặt trời gồm những thành phần nào hay đặc điểm của chúng ra sao mà còn được học những ý tưởng phát hiện ra kính thiên văn (tức là tìm hiểu Công nghệ), học về giá đỡ cho kính thiên văn (liên quan đến môn Kỹ thuật), hay học cách tính tỷ lệ khoảng cách giữa các ngôi sao hay bán kính của các ngôi sao (chính là môn Toán học).

Tầm quan trọng của giáo dục STEM 

Theo một số thống kê về nhu cầu việc làm trong nước và ở Mỹ cho thấy nhu cầu việc làm STEM có tốc độ tăng trưởng gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành khác.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì nhu cầu việc làm liên quan đến STEM ngày càng lớn, đòi hỏi ngành giáo dục cũng phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Giáo dục STEM có thể tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ mới, có tác động lớn đến sự thay đổi nên kinh tế đổi mới.

Giáo dục STEM sẽ phát triển cho học sinh các kỹ năng có thể được sử dụng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Kỹ năng STEM sẽ tích hợp, lồng ghép hài hòa từ bốn nhóm kỹ năng là: Kỹ năng khoa học, kỹ năng công nghệ, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng toán học.

Ngoài 4 kỹ năng vừa nêu trên, giáo dục STEM còn cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển tốt trong thế kỷ 21 như: kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng cộng tác, kỹ năng giao tiếp… trong quá trình nghiên cứu, thực hành các dự án STEM

Giáo dục STEM tại Việt Nam

Tại Việt Nam, giáo dục STEM đang được Bộ GDĐT khuyến khích đưa vào giảng dạy ở các nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, STEM vẫn là một còn là một khái niệm khá mới mẻ và chưa được triển khai rộng rãi vì yêu cầu cao về sự sáng tạo dạy học tích hợp liên môn cùng cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại để ứng dụng thực hành các dự án STEM.

Hiện tại, Bộ GDĐT mới chỉ triển khai dạy thí điểm STEM cho một số trường trong cả nước.

Là một trong những trường triển khai thí điểm STEM, cô Trần Thị Thúy Liên – Trưởng Khoa STEM Trường Olympia – cho biết: Tại trường, dạy học theo định hướng STEM được triển khai từ cấp tiểu học đến hết THPT với nội dung, hình thức triển khai đa dạng, phong phú và phù hợp từng lứa tuổi như:

Tổ chức Câu lạc bộ Robotic ở cấp tiểu học và Câu lạc bộ STEM cho THCS và THPT; trong dạy học bộ môn; dự án liên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và trong các môn học Elective (định hướng nghề nghiệp).

Nhiều dự án STEM có tính ứng dụng thực hành cao như: “An ninh Quang học” – chế tạo thiết bị an ninh dựa vào cảm biến ánh sáng, máy ấp trứng bằng năng lượng hóa học; làm nhà nổi tránh lũ; làm tinh dầu thơm dựa vào phản ứng hóa học…

“STEM không phải là những môn học lý thuyết khô cứng mà các con sẽ được vận dung các kiến thức đã học của nhiều bộ môn một cách linh hoạt để tạo ra các sản phẩm ứng dụng vào đời sống hàng ngày.

Chính điều này đã tạo sự hứng thú và khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh.

Triển khai dạy học STEM là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của thế giới và tạo cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho học sinh trong tương lai” – Cô Trần Thị Thúy Liên cho hay.

Với sự định hướng của Bộ GDĐT và sự đồng hành của Hội đồng Anh, Ngày Hội STEM – Olympia STEM FAIR 2017 sẽ được tổ chức tại trường PTLC Olympia (KĐT Trung Văn, phố Tố Hữu, Hà Nội) vào ngày 18/3/2018 với sự tham gia của một số trường trên địa bàn Hà Nội.

Đặc biệt, các khách mời đến tham gia ngày hội sẽ được trực tiếp khám phá sự kỳ diệu của Khoa học – Công nghệ – Kỹ Thuật – Toán học thông qua các hoạt động vui chơi, các thí nghiệm khoa học và trò chuyện với các chuyên gia STEM.

Trải dài trên diện tích gần 10.000 m2, các hoạt động trong ngày hội được chia thành 4 khu: Triển lãm sách, khu trưng bày sản phẩm nghiên cứu KHCN, khu trải nghiệm STEM, khu Thương mại. Olympia STEM FAIR tiếp tục gieo mầm tình yêu khoa học, khơi gợi ý tưởng sáng tạo, tư duy phản biện, tư duy logic và góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...