Home » Tin giáo dục » Hàng loạt giáo viên bỗng dưng thất nghiệp

Hàng loạt giáo viên bỗng dưng thất nghiệp

(GDTĐ) – Hàng chục giáo viên của hai huyện nghèo Mường Lát và Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bỗng dưng thất nghiệp do không đủ điều kiện tuyển dụng lại. Trong đó có cả những giáo viên đã có thời gian dạy học từ 2 – 8 năm ở các bản đặc biệt khó khăn. Điều đáng buồn, đa số họ là đối tượng do huyện cử đi học nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương.

Hợp đồng thời vụ

Thầy giáo Lương Văn Tích, trú tại xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa cho biết, sau thời gian được huyện cử đi học và tốt nghiệp Trung học sư phạm Tiểu học, anh về huyện nộp hồ sơ giấy tờ để nhận công tác. Năm 2007, anh Tích được UBND huyện Quan Hóa quyết định hợp đồng lao động, thời hạn ba tháng (từ 1/11/2007 đến ngày 31/1/2008), hưởng mức lương 600.000 đồng/tháng, cá nhân tự lo BHYT, BHXH. Cũng từ khi kết thúc hợp đồng này, từ 2007 – 2013, anh Tích liên tiếp được UBND huyện Quan Hóa quyết định các hợp đồng lao động có thời hạn hai tháng, ba tháng và bốn tháng. 

Theo ghi nhận của chúng tôi từ hàng chục giáo viên dạng hợp đồng thời vụ của huyện Quan Hóa, trong nhiều năm trời họ liên tiếp nhận được các quyết định hợp đồng làm giáo viên ngắn hạn giống như thầy Lương Văn Tích như các giáo viên Vi Văn Hoạch (từ 2006 – 2013), Vi Văn Chuân, Lương Văn Xoa (từ 2007 – 2013), Hà Thị Huyền (từ 2005 – 2012), Hà Thị Doanh (từ 2007 – 2013)… 

Không riêng gì các trường hợp của giáo viên hợp đồng ở huyện Quan Hóa, các giáo viên hợp đồng thời vụ trong nhiều năm ở huyện nghèo Mường Lát cũng đang lao đao trong hoàn cảnh… bỗng dưng thất nghiệp. 

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Lê Đức Hiếu – Trưởng phòng Nội vụ huyện Quan Hóa cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, huyện Quan Hóa chưa hề được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, chính vì vậy để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên huyện bắt buộc phải tiến hành ký hợp đồng lao động thời vụ với các giáo viên trong địa bàn. Cụ thể năm học vừa qua, huyện Quan Hóa vẫn còn phải hợp đồng thời vụ với 38 giáo viên”. 

Theo ông Hiếu trước đây Quan Hóa không thiếu giáo viên do có giáo viên miền xuôi tăng cường lên nhưng sau đó một bộ phận nghỉ hưu, chuyển công tác, số học sinh lại tăng lên nên dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng. Mới đây, để đáp ứng nhu cầu thực tế, tỉnh Thanh Hóa cho phép Quan Hóa được phép tuyển dụng 59 giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa chỉ cho phép tuyển dụng những giáo viên có trình độ ĐH – CĐ sư phạm bậc tiểu học, chính vì vậy hàng loạt giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm nghiễm nhiên bị loại khỏi đợt tuyển dụng này, kể cả những giáo viên là người địa phương cử đi học, những người đã công tác lâu năm.

Trong khi đó, tại huyện Mường Lát, ông Mai Xuân Giang – Phó Trưởng phòng GDĐT huyện cho biết: “Căn cứ theo kế hoạch giảng dạy 1 buổi/ngày thì huyện Mường Lát còn thiếu 37 giáo viên tiểu học. Lâu nay, tùy thuộc vào từng thời điểm, từng trường cụ thể, các trường tự ký kết hợp đồng giáo viên thời vụ”. Cũng như Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho phép Mường Lát được tuyển dụng giáo viên tiểu học còn thiếu nhưng cũng yêu cầu chỉ tuyển dụng những người có trình độ ĐH – CĐ sư phạm bậc tiểu học.

Yêu cầu trên về trình độ khiến hàng loạt giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm của huyện đã giảng dạy hợp đồng lâu nay bỗng thất nghiệp. Ông Giang cũng cho biết thêm tính đến nay Mường Lát đã cử đi đào tạo hệ cử tuyển, bằng ngân sách Nhà nước 123 đối tượng, đến nay vẫn còn 36 trường hợp đã tốt nghiệp mà huyện vẫn chưa phân bổ được việc làm (trong đó có 9 trường hợp có trình độ Trung cấp sư phạm, 26 trường hợp trình độ Cao đẳng sư phạm và 1 trình độ Đại học sư phạm).

Những giáo viên vùng cao bỗng lao đao vì thất nghiệp bởi những hợp đồng ngắn hạn kéo dài trong nhiều năm

 

Còn đó những bất cập

Việc UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hai huyện Quan Hóa và Mường Lát tuyển dụng giáo viên tiểu học phải có trình độ CĐ – ĐH được nhiều người nhận định xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cách làm đột ngột này cũng làm phát sinh nhiều bất cập cần phải giải quyết.

Thứ nhất, theo quy định của Nhà nước, đối với bậc giáo dục tiểu học, trình độ Trung cấp sư phạm vẫn là đạt chuẩn. chính vì vậy việc loại bộ phận giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm tiểu học ra khỏi đợt tuyển dụng này là điều chưa hợp lý.

Ngoài ra, xét trong tình hình chung, đây lại là những giáo viên có thời gian công hiến lâu năm cho giáo dục vùng cao, giảng dạy ở những bản nghèo, khó khăn, những năm qua họ là những người trực tiếp góp phần xóa mù, nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều giáo viên trong diện thất nghiệp đợt này cho rằng “cứ cho bọn em nộp hồ sơ, thi tuyển sòng phẳng, khi đó dù có trượt đợt tuyển dụng bọn em cũng cam lòng, đằng này loại ngay từ khâu nộp hồ sơ, bọn em có cảm giác như người ta sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” ấy”.

Thứ hai, nếu như tuyển dụng giáo viên có trình độ giáo CĐ-ĐH là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì việc “nâng cao” này cần có một lộ trình dài. Cần có thời gian để những giáo viên gắn bó với miền núi có thời gian, điều kiện nâng cao trình độ. Bởi đây chính là bộ phận con em địa phương được huyện lấy ngân sách cử đi học, mục đích quay về đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ. Việc loại bộ phận giáo viên này khỏi việc tuyển dụng vô hình trung đã bỏ phí nguồn ngân sách của Nhà nước, chính sách cử tuyển của Nhà nước vì thế cũng không đạt yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, lâu nay Nhà nước vẫn đang ưu tiên việc sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ.

Thiếu giáo viên cũng không có cơ hội

Mặt khác, một số hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa cùng có chung quan điểm rằng “giáo viên huyện nghèo vùng cao nếu không thể xin việc ở vùng cao thì hầu như không thể xin việc được ở nơi khác, những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển hơn. Làm sao giáo viên không đạt chuẩn ở huyện miền núi lại có thể xin việc ở các huyện miền xuôi được, con đường sự nghiệp của các giáo viên này cũng coi như bị khép lại”. Trong điều kiện đó, khả năng những giáo viên “bỗng dưng thất nghiệp” chuyển sang làm công việc khác hầu như không có. 

Khi được chúng tôi hỏi liệu những giáo viên trên có thể chuyển sang làm việc tại các UBND xã trên địa bàn hay không? Ông Phạm Bá Điểm – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát thẳng thắn chia sẻ: “Khả năng đó hầu như không thực tế, hiện công chức cấp xã cũng yêu cầu tuyển dụng những người có trình độ đại học, trước đây huyện đã xin tỉnh tuyển dụng những người có trình độ CĐ mà không được. Xét về chuyên môn, thì việc tuyển dụng giáo viên tiểu học sang xã làm việc cũng là không khả thi”. 

Song song với tình trạng giáo viên thất nghiệp hàng loạt là thực tế thiếu giáo viên tiểu học giảng dạy cho đầu năm học mới ở hai huyện Mường Lát và Quan Sơn. Cuối tháng Tám, đầu tháng Chín khi mà việc năm học mới đã được triển khai thì việc tuyển dụng giáo viên tiểu học ở hai huyện miền núi này vẫn chưa hoàn thành. ông Lê Đức Hiếu – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Quan Hóa cho biết: “Việc tuyển dụng giáo viên tiểu học của huyện vẫn chưa xong, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng”. Tại huyện Mường Lát, ông Mai Xuân Giang – Phó Phòng GDĐT thông tin: “Đến nay toàn huyện Mường Lát mới nhận được 7 hồ sơ về giáo viên văn hóa đạt chuẩn trình độ như tỉnh yêu cầu”.

Một bộ phận lớn giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm tiểu học, đi học theo hệ cử tuyển vẫn đang mong chờ được tham gia đợt tuyển dụng giáo viên của hai huyện Quan Hóa và Mường Lát. Đó là thực tế mà tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết.

Hoàng Dũng

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...