Home » Tin giáo dục » Không phải cứ tham gia kiểm định là được công nhận đạt chuẩn

Không phải cứ tham gia kiểm định là được công nhận đạt chuẩn

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết: Trong số các trường đã được đánh giá mà tôi biết, của cả Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh, có 1 số trường khi đánh giá ngoài xong không đủ điều kiện để đưa vào công nhận vì số lượng tiêu chí đạt dưới 80%.

Khi công nhận, Hội đồng thẩm định thẩm định báo cáo đánh giá ngoài và báo cáo tự đánh giá của nhà trường; dựa vào kết quả của đoàn đánh giá ngoài, cộng thêm báo cáo giải trình của nhà trường để đưa ra kết luận. Khi đó, các minh chứng đã chắc chắn hơn.

Thực tế, không phải trường nào khi đưa vào đánh giá ngoài cũng đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Có trường được hội đồng thông qua, nhưng có điều kiện, ví dụ, sau 1 năm phải báo cáo lại xem cải tiến từng tiêu chí cụ thể như thế nào; nếu không quyết nghị có thể bị rút lại.

Chỉ ra điểm yếu, cho nhà trường một cơ hội để cải thiện chất lượng

– Có trường hợp nào nhà trường dù chưa đạt một số tiêu chí quan trọng như chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên… nhưng vẫn được công nhận kiểm định chất lượng hay không? Lý giải của ông?

 PGS.TS. Nguyễn Quý Thanh

Quy định kiểm định chất lượng có 61 tiêu chí về tất cả các mặt khác nhau của nhà trường. Cách tiếp cận hiện nay là đánh giá một cách tổng thể, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, các tiêu chí đều có tầm quan trọng như nhau, không xem tiêu chí nào quan trọng hơn; bởi quan điểm công tác đảm bảo chất lượng phải được tiếp cận một cách đồng đều ở nhiều mặt, không phải chỉ làm được một mặt mà bỏ qua các mặt khác.

Đó là l‎ý do tại sao trường có 1 số tiêu chí không đạt nhưng vẫn được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng.

Tuy nhiên, thực tế có những tình huống như trường không đảm bảo yêu cầu về giảng viên vì có một số người đang đi học nghiên cứu sinh. Việc này có ảnh hưởng nhất định đến việc giảng dạy, nhưng nếu nhà trường sử dụng đội ngũ chưa đạt chuẩn đó vào hướng dẫn thực tập, hướng dẫn xemina… thì lại không sai quy định và không có ảnh hưởng. Chúng tôi đã bắt gặp tình huống như vậy.

Đơn cử, một trường đủ số lượng cán bộ để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu, khi tính ra tỷ lệ giảng viên là 1/27, trong khi quy định phải không quá 1/25. Trường hợp này, đương nhiên tiêu chí đó chúng tôi đánh giá không đạt. Nhưng tính tổng thể thì trường vẫn vượt một ngưỡng tối thiểu. Đó là cảnh báo và rất phù hợp với bản chất của kiểm định chất lượng, đó là tìm ra những điểm còn tồn tại, điểm yếu của nhà trường để khắc phục; cho nhà trường một cơ hội để cải thiện chất lượng.

Từ góc độ kiểm định chất lượng, càng chỉ ra nhiều tiêu chí càng tốt. Khi trường đã biết tồn tại để khắc phục rồi thì chất lượng sẽ liên tục được cải tiến.

Có thể yên tâm về kết quả kiểm định

– Ông có thể chia sẻ rõ hơn về quy trình đánh giá. Với quy trình này, chúng ta có thể an tâm về độ chính xác của kết quả kiểm định?

Trong đánh giá, thông tin thu thập chính là đợt khảo sát sơ bộ và đợt khảo sát chính thức.

Khảo sát sơ bộ là khảo sát tổng thể về hồ sơ minh chứng của nhà trường cũng như công tác chuẩn bị, tổ chức cho đợt đánh giá chính thức. Tùy vào quy mô của nhà trường, số lượng cơ sở đào tạo, có thể kéo dài 1 – 2 ngày.

Sau đó, các đoàn, Trung tâm gửi yêu cầu nhà trường bổ sung thông tin, minh chứng, chốt thông tin ở thời điểm nào… Với chúng tôi, thường chốt các dữ liệu vào ngày đầu tiên của tháng trước đó. Ví dụ, khi làm sơ bộ tháng 5 thì chốt dữ liệu dến 1/5; riêng dữ liệu tài chính chốt vào 31/12 năm trước đó.

Trong đợt khảo sát chính thức, để thông tin nhiều chiều, chúng tôi phải gặp tất cả các bên liên quan của nhà trường, bao gồm lãnh đạo trường, lãnh đạo các phòng chức năng, lãnh đạo các khoa, giảng viên, nhân viên, sinh viên – học viên tất cả các hệ bậc học, gặp cả những người đang học và đã học trong vòng 5 năm; phải đi thăm các cơ sở giảng dạy của nhà trường nếu có, kể cả ở ngoài tỉnh; phải có các kênh khảo sát độc lập khác.

Ví dụ, đối với việc làm, nhà trường cung cấp số liệu, Trung tâm chúng tôi phỏng vấn số lượng khá lớn sinh viên độc lập với nhà trường, dựa vào kết quả đó để soi lại kết quả của trường, trên cơ sở đó đưa ra kết luận cuối cùng về kết quả việc làm của sinh viên.

Ngoài ra, chúng tôi phải thẩm định dữ liệu khảo sát của trường trong vòng 5 năm, không có là điểm trừ; kiểm tra phiếu khảo sát gốc, không có cũng là điểm trừ. Nếu khảo sát trực tuyến, chúng tôi đề nghị trường chạy cơ sở dữ liệu để kiểm tra, nếu không có tiếp tục là điểm trừ. Nếu trường có báo cáo việc làm nhưng không thấy cơ sở dữ liệu gốc, lại là điểm trừ nữa… Nếu có dữ liệu gốc, chúng tôi yêu cầu chạy thử xem có ra kết quả như vậy không…

Thông thường, nếu khảo sát của chúng tôi ra kết quả cao hơn, chúng tôi sẽ lấy kết quả của nhà trường và ngược lại, nếu khảo sát có kết quả thấp hơn sẽ lấy kết quả của chúng tôi. Như vậy, phương án bao giờ cũng là công bố số liệu an toàn hơn.

Cách làm như vậy, có khi mất cả ngày trời chỉ điểm ra được 1 đoạn viết rất ngắn về tình trạng việc làm của sinh viên.

Chúng tôi cũng sẽ trực tiếp làm việc với cơ sở dữ liệu quốc tế để kiểm tra về các bài báo quốc tế của nhà trường, nếu nhà trường có thông tin;

Chúng tôi sẽ lập 1 danh sách các tài liệu mà nhà trường cần phải có theo đúng đề cương môn học mà nhà trường cung cấp. Trường có hàng nghìn để cương môn học, trong mỗi đề cương môn học, thường là có tên các tài liệu bắt buộc (trường tự xác định); chúng tôi lập danh sách hàng trăm đầu mục đó và yêu cầu thư viện tìm kiếm, đưa đến cho đoàn xác nhận. Nhiều người hiểu lầm công tác kiểm định chất lượng là áp số lượng, áp chủng loại. Chúng tôi không làm việc đó vì trường là đơn vị hiểu rõ hơn ai hết về các loại tài liệu gì cần cho chương trình đào tạo, môn học của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi công bố thông tin về đoàn cũng như email giao dịch, điện thoại. Kênh này nhận được phản ánh của cán bộ giảng viên, sinh viên, thậm chí cả đơn từ.

Như vậy, có thể nói, thông tin được thu thập từ rất nhiều kênh, nhiều chiều, nhiều cấp độ khác nhau. Do đó, xã hội hoàn toàn có thể tin tưởng được.

Cơ chế quan trọng nhất của đảm bảo chất lượng

– Khó khăn với đoàn đánh giá trong quá trình thực hiện đánh giá ngoài là gì, ông có thể chia sẻ?

Khó khăn là tìm kiếm minh chứng, quan trọng nhất là minh chứng, minh chứng trực tiếp và minh chứng hiện hành, vì quá trình hoạt động của các trường ĐH Việt Nam thông thường tính chuẩn hóa trong hoạt động chưa cao. Một số trường đã áp dụng ISO, việc quản lý tài liệu hồ sơ minh chứng tốt hơn.

Khó khăn thứ 2 bắt nguồn từ việc quản lý theo quy định ở các trường nhiều khi chưa được tuân thủ chặt chẽ, đôi khi các hoạt động được thực hiện theo kiểu “khẩu dụ” hơn là bằng văn bản.

– Ông có thể cho biết tầm quan trọng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH hiện nay?

Kiểm định chất lượng hiện nay đang được dùng như một cơ chế quan trọng nhất của đảm bảo chất lượng, cơ chế giám sát của xã hội đối với chất lượng của giáo dục ĐH; được dùng trong một số nhiệm vụ quan trọng của ngành, đặc biệt trong quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ.

Một trong những căn cứ quy hoạch là kết quả kiểm định chất lượng. Đó cũng là căn cứ để áp dụng tự chủ. Những trường kết quả kiểm định tốt sẽ được giao mức độ tự chủ cao hơn.

– Xin cảm ơn PGS!

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...