Home » Tin giáo dục » Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giảng viên các trường sư phạm

Nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giảng viên các trường sư phạm

Cần tạo điều kiện cho GV tham gia hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng

Theo TS Nguyễn Thi Hiền – Trường ĐH Hải Phòng cho biết: Bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là môt trong hai yếu tốt tạo thành nhân cách của giáo viên, GV nói chung và lại càng quan trọng đối với GV trong môi trường sư phạm, trong cơ sở đào tạo giáo viên. Họ chính là những hình mẫu chuẩn mực cho SV noi theo không phải chỉ ở năng lưc chuyên môn mà trước hết phải ở đạo đức, lối sống, tác phong và văn hóa giao tiếp ứng xử.

Ngày nay trong quá trình hội nhập kinh tế và tri thức, đội ngũ các nhà giáo trong đó có các GV sư phạm đang phải đối mặt với rấ nhiều khó khăn và thách thức từ xã hội và các nhà trường, với những yêu cầu cao cả về năng lực chuyên môn cũng như sự hoàn thiện nhân cách đáp ứng những chuẩn mực đạo đức của nghề giáo. Theo đó GV cần gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; yêu nghề, gắn bó, tận tụy với nghề, giữ gìn phẩm chất, uy tín và danh dự của nhà giáo; thương yêu tôn trọng và đối xử công bằng với SV; đoàn kết công tác, luôn giúp đỡ đồng nghiệp; có lối sống lành mạnh, tác phong mẫu mực, phong cách làm việc khoa học… Những phẩm chất này một phần được hình thành thông qua các sinh hoạt chính trị – xã hội của GV nhưng quan trọng hơn phải chính do GV rèn luyện, trau dồi một cách thường xuyên, tích cực trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Giáo dục bồi dưỡng nhân cách cho bản thân cũng chính là cách thức để GV cảm hóa, giáo dục SV.

Song song với đó GV phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; cập nhật kiến thức khoa học, hiện đại để phát triển năng lực giảng dạy và các kĩ năng NVSP của bản thân… đó là những năng lực quan trọng bậc nhất bởi đội ngũ này ngoài nhiệm vụ trang bị tri thức khoa học chuyên sâu cho người học còn có một sứ mạng lớn lao. Họ là hình mẫu, là hiện thực trực quan, sinh động của phương pháp dạy học đồng thời cũng là người dạy cho SV – những giáo viên tương lai những cách thức, biện pháp, kĩ năng và kĩ xảo dạy học. Do đó có thể nhìn nhận năng lực giảng dạy của những GV ở trường, khoa sư phạm là một năng lực “kép”. Và chính bởi vậy, việc bồi dưỡng năng lực giảng dạy, kĩ năng, NVSP của đội ngũ GV sư phạm này cũng cần chú ý tới việc bồi dưỡng những kĩ năng đặc thù, những khả năng riêng ngoài kĩ năng, khả năng cần có đối với một GV nói chung.

Ngoài việc nhuần nhuyễn các kiến thức chuyên sâu của môn học mà GV phụ trách GV còn phải biết cách vẫn dụng thành thạo các PPDH đại học, đồng thời cũng cần tìm hiều, nắm bắt nhanh, kịp thời những đổi mới trong nội dung, chương trình sách giáo khoa của môn học mà mình đang giảng dạy và SV sẽ đảm nhiệm sau này được triển khai ở trường phổ thông như thế nào. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực tế ở phổ thông, tìm hiểu và nắm bắt kịp thời những thay đổi. Đặc biệt, GV cần có ý thức “quy trình hóa” các phương pháp dạy học mới, các phương tiện giảng dạy hiện đại để việc dạy học ở nhà trường sư phạm không bị lạc hậu lỗi thời.

Ngoài ra còn phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu và tích cực đào tạo, bồi dưỡng để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ. Để làm được điều này, hơn ai hết bản thân mỗi GV phải ý thức cao và đẩy nhanh hơn quá trình đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, tự bồi dưỡng mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của GDĐT bậc đại học trong giai đoạn phát triển như hiện nay. Một trong những giải pháp, chiến lược đúng đắn nhất cho đội ngũ GV ở các cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay là phải kết hợp thực hiện song song, có hiệu quả hai việc: việc tự học, tự nghiên cứu, theo nhu cầu, định hướng chuyên môn cũng như khả năng và mục tiêu của bản thân và việc tích cực, thường xuyên tham gia, theo học các chương trình đào tạo bắt buộc, các khóa bồi dưỡng về chuyên môn, phương pháp để cập nhật những thay đổi, đổi mới của ngành, bậc và lĩnh vực đào tạo và đạt được các bằng cấp, chứng chỉ theo quy định.

Tạo điều kiện, cơ hội để GV phát triển chuyên môn, nghề nghiệp

Theo TS Nguyễn Danh Nam – Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên: Đào tạo bồi dưỡng GV trong trường sư phạm là quá trình tổ chức những cơ hội học tập cho GV nhằm trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kĩ năng, thái độ làm việc để họ thực hiện công việc được giao tốt hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của SV. Do vậy, chúng tôi đưa ra một số giải pháp:

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ GV thông qua tổ chức tăng cường dự giờ giảng của những GV giỏi, giúp các GV khác có cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm dạy học và nghiên cứu. Khuyến khích GV xuống trường phổ thông dự giờ, trao đổi kinh nghiệm với GV phổ thông; Đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về tuyển dụng GV sư phạm; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đội ngũ SV tốt nghiệp loại giỏi, SV các lớp cử nhân tài năng, kĩ sư chất lượng cao làm GV, trong đó chủ động tạo nguồn GV thông qua các lớp chất lượng cao tại cơ sở; xây dựng chính sách thu hút cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của GV sư phạm (hoặc bộ tiêu chuẩn của GV đại học); đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ GV nhằm nâng cao chất lượng của GV cả về năng lực chuyên môn lẫn kiến thức, nghiệp vụ sư phạm.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học giáo dục trong các trường sư phạm, gắn nghiên cứu khoa học với đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; xây dựng nhóm chuyên gia nghiên cứu nhằm tăng cường trao đổi học thuật, sáng kiến kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học; tổ chức và khuyến khích GV tham gia hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá sàng lọc đội ngũ GV theo hướng phân công, phân cấp về trách nhiệm, quyền hạn và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường sư phạm.

Cần khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của GV để xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng GV khác. Các lớp sẽ được sắp xếp, giảng dạy theo từng chuyên đề. Đồng thời có kế hoạch thường xuyên cử GV đi học sau ĐH với các chuyên ngành đáp ứng đúng nhu cầu của nhà trường.

Tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng theo hình thức kết hợp tự bồi dưỡng và bồi dưỡng tập trung, sử dụng mô hình giúp đỡ đồng nghiệp. Các nhà trường cũng cần tạo ra cơ chế kích thích quá trình tự bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của đội ngũ GV.

Chất lượng của đội ngũ GV các trường sư phạm chịu sự tác động của nhiều nhân tố khác nhau, từ chủ quan như năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm, phẩm chất đạo đức, ý chí phấn đấu vươn lên của từng cá nhân cho đến các điều kiện, yếu tố khách quan như điều kiện môi trường làm việc, công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, quản lí sử dụng cũng như các chế độ chính sách ưu đãi và cơ chế kiểm tra, đánh giá công nhận… Chất lượng đội ngũ GV có vai trò quyết định trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, việc phát triển đội ngũ GV các trường sư phạm được coi là giải pháp đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giáo viên cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...