Sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Nhận xét sách giáo khoa không công nhưng đòi trách nhiệm, giáo viên phải làm sao”, “Giáo viên 4 ngày vừa dạy vừa phải đọc, góp ý 24 cuốn sách giáo khoa?”, chủ đề chọn sách giáo khoa lớp 2 lớp 6 đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc và chia sẻ rộng rãi trên các hội, nhóm mạng xã hội.
Việc giao giáo viên chọn sách giáo khoa đúng hay sai?
Ngày 26/8/2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Điều 8 Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐTghi rõ: Quy trình lựa chọn sách giáo khoa:
1. Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa:
a) Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn;
b) Cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn.
Danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn có chữ ký của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ trưởng tổ chuyên môn.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
Như vậy, giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông (trường học) được giao nhiệm vụ chọn sách giáo khoa là đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa.
Việc giao giáo viên chọn sách giáo khoa có hợp lý không? (Ảnh minh họa: Vương Thủy) |
Ai quyết định chọn sách giáo khoa?
Khoản 4 Điều 8 Thông tư Số 25/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:
4. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa:
a) Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 (bảy) ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng;
b) Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp môn học không có sách giáo khoa nào đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 (một phần hai) số phiếu đồng ý lựa chọn;
c) Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.
Danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất là tài liệu tham khảo chứ không phải yếu tố quyết định để chọn sách giáo khoa.
Quyết định chọn sách giáo khoa hoàn toàn do Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cấp Tỉnh quyết định.
Có nên bắt buộc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa?
Việc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa rồi đề xuất lên, nghe qua có vẻ dân chủ, phát huy được trí tuệ của tập thể, thực tế lại là chuyện khác.
Vấn đề đặt ra là giáo viên các cơ sở giáo dục có đủ năng lực để chọn sách giáo khoa không? Có đủ thời gian cho giáo viên làm việc không? Đã có quy định chế tài về trách nhiệm, quyền lợi cho giáo viên chọn sách chưa?
Cả ba vấn đề đặt ra trên đều hoàn toàn không có, không có năng lực (Nếu có, chỉ là con số rất nhỏ, có thể coi như không có. Minh chứng cụ thể nhất chính là sạn trong sách giáo khoa sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 không phải do giáo viên phát hiện, báo cáo lên cấp có thẩm quyền);
Thời gian chọn sách thực tế chỉ 1 đến 4 buổi, trong lúc đó đang phải làm công tác bình thường; Không có chế tài về trách nhiệm, không có quyền lợi cho giáo viên chọn sách.
Nên, kết quả danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất là tài liệu tham khảo, nhưng giá trị như thế nào ai cũng biết, không có tính quyết định.
Vì vậy, theo ý kiến người viết, không nên bắt buộc giáo viên, các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa.
Đôi điều kiến nghị
Nên tổ chức mỗi Phòng Giáo dục một Hội đồng chọn sách giáo khoa; Hội đồng chọn sách giáo khoa của Phòng gồm các giáo viên cốt cán bộ môn hay khối lớp.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của Phòng phải có thời gian nghiên cứu sách ít nhất 14 ngày, có chế độ đãi ngộ đúng công sức bỏ ra.
Làm như thế việc chọn sách ở cơ sở mới thực chất, danh mục sách giáo khoa do các các phòng giáo dục đề xuất mới thực sự có giá trị.
Hội đồng chọn sách giáo khoa của Tỉnh phải nghiên cứu sách trước 1 tháng, chịu trách nhiệm hoàn toàn về bộ sách mình chọn.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-25-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-429883.aspx
Sơn Quang Huyến
Bình luận bài viết