Nhìn từ căn bệnh ngụy thành tích
Ngày 6/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã quay lại tại nhiều địa phương trên toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục là phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
Bên cạnh đó phải thực hiện các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia sắp tới.
Giáo dục đào tạo là lĩnh vực liên quan đến toàn xã hội, bởi sản phẩm của giáo dục chính là con người. Vì vậy, một trong những yêu cầu ngành giáo dục, đào tạo được Thủ tướng nhấn mạnh là “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phải đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả đã đạt cũng như những tồn tại để chỉ ra nguyên nhân và giải pháp.
Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Giáo dục của nước ta hiện nay theo tôi đánh giá đôi khi còn nằm quá nhiều ở mặt hình thức. Chúng ta nặng nề về hình thức từ học tập đến các hình thức thi cử. Đơn cử là các kỳ thi chuyển cấp gây cho học sinh, phụ huynh, thậm chí nhà trường, thầy cô rất nhều áp lực.
Theo yêu cầu của Thủ tướng là ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ phải được hiểu theo nghĩa thi đúng với trình độ học người học có, đúng ngành người học có nhu cầu, phù hợp với đúng lứa tuổi, được học tâp và thi cử trong môi trưởng mở, thân thiện, thoải mái.
Thế nhưng đáng buồn là thực trạng giáo dục đang tồn tại quá nhiều biểu hiện cũng như quan điểm giáo dục thiên về hình thức, chạy đua để tạo ra thành tích ảo”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, một ví dụ điển hình là việc thi đại học. Chúng ta tôn sùng đại học, hướng cho học sinh vào học các trường đại học mặc dù đối với xã hội, thậm chí đối với cá nhân người học đều không cần thiết.
“Đối với tôi, một đất nước phát triển là cần sự phát triển đồng bộ. Điều đó có nghĩa một người học được giáo dục, đào tạo thì cần đúng người, đúng nghề, đúng đam mê, đúng sở thích thì mới cho kết quả thực, chất lượng cao, mới đáp ứng được nhu cầu của người học và xã hội.
Chúng ta đang giáo dục theo hướng ồ ạt đi học, ồ ạt tốt nghiệp, ồ ạt có bằng cấp mà quên mất chất lượng giáo dục.
Ngay trong một gia đình, đứa trẻ học giỏi hội họa thì được yêu cầu phải thi được học sinh giỏi toán. Một đứa trẻ học giỏi toán thì bắt trở thành học sinh giỏi toàn diện, bao gồm cả văn, sử, địa lý đều giỏi”, ông Bảo chia sẻ.
Đó không chỉ là yêu cầu của một gia đình mà dường như trở thành cuộc chạy đua thành tích của toàn xã hội mà quên rằng, phát triển thế mạnh riêng của từng học sinh, sinh viên, học viên mới chính là yếu tố then chốt quyết định tương lai.
Chúng ta luôn có thói quen đánh giá chất lượng giáo dục qua trường lớp, qua thành tích học tập. Tuy nhiên, với tư duy mới giáo dục không đánh giá thông qua thành tích nữa mà phải được đánh giá thực chất thông qua quá trình học tập. Đó mới chính là học thật, thi thật.
“Từ xưa đến nay giáo dục luôn tồn tại bệnh chỉ tiêu thành tích, các trường cứ phải chạy đua theo các điển hình, biểu mẫu rồi ép buộc học sinh theo lộ trình giáo dục đó.
Ngay cả thành tích thi quốc tế của chúng ta hiện nay, rất tự hào nhưng mình phải hiểu một điều đó là thành tích của quá trình “luyện gà nòi”.
Đối với các nước phát triển họ đi thi một cách tự nhiên, ai có năng khiếu thì đi. Chính vì thế đôi khi kết quả đó không đánh giá đúng nền giáo dục của một quốc gia.
Quan trọng nhất là mình phải quay trở lại đúng với nền giáo dục của mình, mình phải đáp ứng đúng nhu cầu mặt bằng chung và phát triển giáo dục một cách tự nhiên chứ đừng đưa ra biểu mẫu, đưa ra những thang bậc để người ta tự có một áp lực ngược lại đối với nhà trường, giáo viên”, ông Bảo nhận định.
Áp lực chỉ tiêu năm sau hơn năm trước
Bệnh ngụy thành tích được xem là căn bệnh trầm kha trong ngành giáo dục. Các chỉ tiêu đạt chuẩn cao chót vót, yêu cầu năm sau cao hơn năm trước đối với học sinh, thầy cô, trường học, các cấp quản lý đã tạo ra căn bệnh ngụy thành tích trong giáo dục, đào tạo.
Tại một lớp học dựa vào tỉ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh ở lại lớp để được đạt trường chuyên, lớp chọn… Tại một ngôi trường, các thầy cô phải đầy đủ các loại chứng chỉ mới được thăng hạng, giữ hạng, giáo viên giỏi…Tại một cơ quan, nhân sự phải có bằng cấp này, bằng cấp nọ mới được nâng lương, thăng chức… Vô hình trung giáo dục trở thành một vòng tròn với vô vàn áp lực, sức ép để tạo nên những thành tích ảo.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuyển từ nhận thức thành tích sang kết quả thực tế của một nền giáo dục tại một vùng miền, khu vực. Phải làm sao đáp ứng được nhiều người được học nhất và nhiều người thỏa mãn đối với lực học của mình. Như thế mới là học thật, thi thật.
Tránh trường hợp chúng ta của xây dựng các loại tiêu chuẩn rồi bắt học sinh phải đạt những tiêu chuẩn đó. Kể cả trường chuẩn cũng phải được xây dựng trên nền tảng hết sức tự nhiên, thực tế để đạt được chứ không phải mình ép nó vào một con số để đạt chuẩn. Như vậy sẽ cho kết quả không đúng, không thật”.
Theo ông Bảo, nghiêm trọng nhất của giáo dục, sản phẩm tạo ra chính là con người thật. Nếu giáo dục không thật sẽ tạo ra những con người “rởm”.
Bằng cấp thật nhưng kiến thức giả, thi giả, bằng cấp giả là một trong những hệ quả của chạy theo chỉ tiêu thành tích. Và đương nhiên tư duy, nhận thức của con người cũng là giả. Nếu tương lai đất nước được xây dựng từ những nhân sự với thành tích ảo sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng.
“Hiện tượng đào tạo giả, con người với kiến thức giả không những đang tồn tại mà tồn tại rất nhiều trong xã hội hiện nay. Vậy lúc này chúng ta phải giáo dục con người với tri thức thật. Ngành giáo dục mà không thật thì sẽ tạo ra con người rởm. Lúc đó tương lai của đất nước sẽ rất nguy hiểm”, ông Bảo khẳng định.
Cao Kim Anh
Bình luận bài viết