Home » Tin giáo dục » Các trường “chia sẻ” giáo viên, một cách làm thiết thực để nâng cao thu nhập

Các trường “chia sẻ” giáo viên, một cách làm thiết thực để nâng cao thu nhập

Hiện nay, tiền lương của giáo viên mọi cấp học nhìn chung khá thấp, chưa tương xứng với thời gian, công sức mà họ bỏ ra. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch cải cách tiền lương (tăng lương cơ sở) cũng chưa thực hiện được.

Vậy nên, làm thế nào để trường học có thể tăng lương cho giáo viên công lập một cách hợp pháp, chính đáng là điều rất đáng trăn trở tại thời điểm này.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số trường học đã mạnh dạn “chia sẻ” giáo viên cho nhau, tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho người lao động – là một cách làm nhân văn, thiết thực rất đáng tham khảo.

Ngày 15/3/2021, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết định hướng là ưu tiên tuyển dụng nhưng không có kết quả thì phải hợp đồng thỉnh giảng, các trường “chia sẻ” giáo viên với nhau.

“Giáo viên chỉ có biên chế một nơi nên khi thiếu giáo viên các trường có thể sắp xếp, hỗ trợ lẫn nhau. Các trường chi trả kinh phí cho giáo viên thỏa đáng và có cam kết thực hiện chất lượng giảng dạy”, theo Thanh Niên. [1]

(Ảnh minh họa: Báo Phú Yên)

Cơ sở thực tiễn để chia sẻ giáo viên

Việc một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh “chia sẻ” giáo viên cho nhau là cách làm thiết thực bởi những lí do sau đây.

Thứ nhất, ngày 10/10/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 44 quy định về chế độ thỉnh giảng các cơ sở giáo dục.

Trong đó, Điều 6 (hạn mức giờ thỉnh giảng) cho biết, “tổng số giờ thỉnh giảng trong một năm học của một nhà giáo thỉnh giảng không vượt quá tổng định mức giờ giảng dạy và giờ dạy thêm theo quy định của pháp luật đối với nhà giáo trong biên chế, nhà giáo cơ hữu thực hiện cùng nhiệm vụ.

Và Điều 8 (trách nhiệm của nhà giáo thỉnh giảng) yêu cầu “nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức nơi mình công tác; đưa kế hoạch thỉnh giảng vào chương trình công tác; phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi mình công tác trước khi giao kết và sau khi chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng.” [2]

Như thế, giáo viên bậc trung học cơ sở có thể tham gia thỉnh giảng ở trường khác ít nhất 19 tiết/tuần, tương tự với giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần.

Thứ hai, ở các thành phố lớn (kể cả nhiều tỉnh thành) thường thiếu giáo viên dạy các môn ít tiết như Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật, Công nghệ… nên một giáo viên có thể tham gia thỉnh giảng thêm từ 1 đến 2 trường.

Giáo viên biên chế (hợp đồng không xác định thời hạn/hợp đồng xác định thời hạn từ 1/7/2020) ở trường sở tại dạy khoảng 3 ngày là hoàn thành định mức (19 hoặc 17 tiết/tuần tùy theo bậc học).

Một nửa thời gian còn lại, giáo viên hoàn toàn có thể dạy thỉnh giảng ở trường thứ hai, kể cả trường thứ ba.

Thứ ba, hàng năm trường học đều có nhu cầu tuyển dụng viên chức bởi số lượng học sinh tăng, giáo viên chuyển trường, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu theo chế độ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà trường cũng tuyển được giáo viên giỏi nên có tình trạng tuyển cho đủ số lượng theo chỉ tiêu biên chế được giao, dẫn đến chất lượng giảng dạy thấp.

Một giáo viên mạng lưới bậc trung học cơ sở (xin không nêu tên) ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, hàng năm cô đều tham gia hội đồng tuyển dụng giáo viên môn Ngữ văn cho trường.

“Thực tế, có năm nhà trường phải tuyển một số giáo viên không như ý muốn, bởi ứng viên tham gia dự tuyển chất lượng thấp (giáo viên mới ra trường, giáo viên tốt nghiệp loại trung bình, giáo viên ngoài ngành sư phạm…).

Trong khi đó tổ chuyên môn có đến mấy giáo viên thuyên chuyển, nghỉ hưu, kể cả nghỉ ngang việc”, cô giáo chia sẻ.

Thứ tư, nhiều trường nhận hợp đồng giáo viên bộ môn nhưng cũng gặp không ít khó khăn, đó là giáo viên dạy một thời gian ngắn thì nghỉ việc vì lương thấp. Cũng có trường hợp giáo viên trúng tuyển viên chức ở một trường khác thì nghỉ luôn.

Những lúc như thế, hiệu trưởng phải xoay xở tuyển thêm giáo viên rất khó khăn, thậm chí có khi phải phân công giáo viên trái chuyên môn kiêm nhiệm, rất bất cập.

Chưa kể, mỗi khi có giáo viên mới thì lại thay đổi thời khóa biểu khiến công tác chuyên môn của nhà trường cũng xáo trộn theo.

“Chia sẻ” giáo viên cần nhất là cái tâm và tầm của lãnh đạo

Để “chia sẻ” giáo viên có hiệu quả, công tác chuyên môn ở trường học được trôi chảy, người viết xin có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, hiệu trưởng phải tạo điều kiện cho giáo viên trường mình được tham gia thỉnh giảng ở trường bạn. Muốn được như vậy, điều tiên quyết là hiệu phó phụ trách chuyên môn cần sắp xếp thời khóa biểu cho những giáo viên có nhu cầu đi thỉnh giảng sao cho khoa học, hợp tình hợp lí.

Hiện nay ở trường học tồn tại tình trạng giáo viên bị ban giám hiệu phân thời khóa biểu dài trải cả tuần.

Việc sắp xếp thời khóa biểu như thế này có hai lí do: quan niệm giáo viên phải đi hết các ngày để quản lí, giám sát học sinh – nhất là giáo viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm; và khả năng sắp xếp thời khóa biểu hạn chế – ít sắp thủ công mà đưa vào phần mềm chạy ngẫu nhiên.

Thứ hai, lãnh đạo cần kiên quyết, dứt khoát không tuyển mới những giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyên môn để nhận thêm giáo viên thỉnh giảng.

Cùng với đó, hiệu trưởng phải quyết liệt sắp xếp lại chuyên môn, bởi trường nào cũng có những giáo viên rất hạn chế về năng lực.

Với quyền hạn của lãnh đạo thì hiệu trưởng có thể cắt bớt tiết dạy (thêm kiêm nhiệm), kể cả điều chuyển những giáo viên này sang làm những công việc khác như giám thị, văn phòng… để dành chỗ cho giáo viên thỉnh giảng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, hiện nay rất hiếm hiệu trưởng làm việc này, chủ yếu vì nể nang đồng nghiệp, không đành. Như thế, ngoài cái tâm, cái tầm thì lãnh đạo cần đặt lợi ích của học sinh là trên hết thì mới giải quyết công việc được rốt ráo.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục của các tỉnh thành trên cả nước cũng nên học tập cách “chia sẻ” giáo viên của Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện cho thầy cô có năng lực được cống hiến, được nâng cao thu nhập là hoàn toàn chính đáng.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/giao-duc/cach-cac-truong-chia-se-giao-vien-1354011.html?

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/thong-tu-44-2011-tt-bgddt-che-do-thinh-giang-trong-co-so-giao-duc-130159.aspx?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Bình luận bài viết

x

Check Also

Hưởng ứng, tham gia cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022

Theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT phối hợp ...