Home » Tin giáo dục » “Chiêu” giành 8 học bổng trong 4 năm đại học của cô nàng thủ khoa xứ Thanh

“Chiêu” giành 8 học bổng trong 4 năm đại học của cô nàng thủ khoa xứ Thanh

Nói về kinh nghiệm chọn ngành học khi còn là học sinh lớp 12, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Ánh kể, khi còn là một cô học trò chuyên Lý tại Trung học phổ thông Chuyên Lam Sơn – Thanh Hóa, đứng trước nhiều cơ hội và nhiều ngã rẽ, em đã quyết định chọn ngành Quản trị khách sạn của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sau một khoảng thời gian dài suy nghĩ cẩn thận.

Cô nàng xứ Thanh tâm sự, thời gian đó, em đọc được rất nhiều những bài báo liên quan đến chảy máu chất xám, về vấn đề chiến tranh, chủ quyền, đến một số ý kiến không hay từ một số người nước ngoài về con người Việt Nam. Những điều đó đã khiến em trăn trở, em muốn tìm một con đường nghề nghiệp giúp mình cống hiến cho quê hương.

Với điểm tốt nghiệp 3,65/4, Lương Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1999) trở thành thủ khoa Khoa quản trị khách sạn của trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Ngành du lịch nói chung và ngành quản trị khách sạn nói riêng có đặc điểm rất đặc biệt là “xuất khẩu tại chỗ”, sản phẩm dịch vụ mà mình mang đến cho khách chính là những đặc sản, nét đẹp văn hóa và di sản của vùng miền, của dân tộc. Nên em mong muốn bằng năng lực và sự tận tâm của mình, mang hình ảnh Việt Nam thân yêu và người Việt Nam thân thiện đến với bạn bè quốc tế. Để thay thế những định kiến về Việt Nam gắn với chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu của một bộ phận khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, qua quá trình tìm hiểu em biết được ngành du lịch khách sạn rất khát nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao (và bây giờ vẫn vậy), nên em đã không ngần ngại mà đăng ký 4 nguyện vọng liên quan đến du lịch và khách sạn tại nhiều trường khác nhau từ Bắc vào Nam.

“Thời điểm đó, về phía gia đình, bố mẹ em trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên cũng không được học hành đầy đủ, bố mẹ đều làm nghề tự do, vì lẽ đó nên gia đình không định hướng em quá nhiều trong việc chọn ngành nghề. Điều này tạo cho em một không gian tự do để tự tìm tòi khám phá và xác định con đường mình muốn theo đuổi.

Khi em nói chuyện với bố mẹ về lựa chọn của mình, bố mẹ cũng hỏi sao con không thi vào bác sĩ, công an hay kế toán, dựa vào nguyện vọng và hiểu biết của bản thân, em đã thuyết phục bố mẹ về ngành mà em cảm thấy phù hợp nhất và bố mẹ đã đồng ý. Em đoán là đến thời điểm này bố mẹ em cảm thấy đặt niềm tin vào em ngày đó là điều không có sai”, cô nàng tân thủ khoa tâm sự.

Gia đình lên chúc mừng Ánh trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của trường Đại học Kinh tế quốc dân (ảnh: NVCC)

Lương Thị Ngọc Ánh sinh ra ở Quảng Châu, Sầm Sơn, Thanh Hóa nhưng trong suốt quá trình lớn lên, em không chỉ học ở trường làng mà được chuyển đến học tại nhiều trường và tiếp xúc với nhiều bạn ở các xã, huyện khác trong tỉnh.

“Với em, đây thật sự là điều may mắn vì đã giúp em mở rộng dần những góc nhìn, thêm sự hiểu biết và có được nhiều mối quan hệ trân quý. Cũng có lẽ vì được “xê dịch” nhiều từ bé nên tính cách của em cũng năng động, thích thử thách và đặc biệt yêu du lịch”, Ánh tâm sự.

Với số điểm 28/30, Ánh đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và đối với tân thủ khoa ngành Quản trị khách sạn thì đây thật sự là lựa chọn đúng đắn nhất đến bây giờ. Nơi đây có thầy cô là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành; sinh viên theo học ở đây đều là những bạn trẻ giỏi giang; trường được xây mới rất đẹp với đầy đủ tiện nghi và cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho sinh viên.

Dù học phí cao nhưng có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên và nhiều quỹ học bổng. Và điều quan trọng là, em có cảm giác mình thuộc về – một cảm giác gần gũi và ấm áp khi nghĩ đến Kinh tế quốc dân.

Nhìn lại quãng thời gian sinh viên của mình, những điểm mạnh của nhà trường đã phát huy rõ ràng và hỗ trợ em rất nhiều trong con đường phát triển của mình. Một môi trường nơi em xây dựng được nền tảng kiến thức vững vàng, gặp gỡ và làm việc cùng nhiều người bạn tốt – là chiến hữu cùng em vui chơi, học tập nghiên cứu và tham gia các cuộc thi, em nhận được 6 kỳ học bổng của nhà trường và 2 học bổng doanh nghiệp, điều này đã giúp em và gia đình rất nhiều trong giai đoạn khó khăn.

Nhìn vào số kỳ đạt học bổng của Ánh, phóng viên hỏi về bí quyết để đạt điểm cao trong giảng đường đại học thì tân thủ khoa của Trường Đại học Kinh tế quốc dân khiêm tốn nói: “Thật ra mức điểm của em cũng không quá cao so với những sinh viên xuất sắc của các khoa khác. Nhưng dựa vào kinh nghiệm trải qua gần 15 mùa thi của mình thì em cho rằng để đạt điểm cao thì cần:

Thứ nhất là đi học đầy đủ và không ngủ gật trong giờ học vì trên bảng thầy cô đang thật sự cố gắng và nhiệt huyết để truyền tải cho mình những điều thầy cô trầy trật tích lũy được, biết đâu những điều mình bỏ qua lại là một kiến thức thay đổi toàn bộ tư duy hay một lời khuyên thay đổi cả đời người.

Thứ hai là ghi chép hoặc đánh máy những điểm quan trọng, không nhất thiết phải là tất cả những điều thầy cô nói, nhưng ít nhất, hãy là những điều không có trong giáo trình và những điều mình không hiểu.

Thứ ba là “đi một mình thì nhanh hơn, nhưng đi cùng nhau thì xa hơn”, câu này có hai vế và cả hai đều quan trọng, bài tập hoặc môn thi nào có thời gian chuẩn bị gấp rút thì nên ưu tiên tự lực cánh sinh, còn khi có thư thả thời gian thì nên làm cùng bạn bè. Điều này giúp mình tối ưu hóa khoảng thời gian mình có và đạt kết quả cao nhất trong giai đoạn ôn thi.

Cuối cùng là “tạo lập liên minh và tin tưởng vào đồng đội”, như một nhóm bạn cùng nhau học, một nhóm bạn cùng nhau tìm kiếm cơ hội và chia sẻ cho nhau, những người là cứu cánh và động lực tinh thần khi mình khó khăn. Học hành và điểm số thật sự quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả là một thời sinh viên đáng nhớ.

Chiêm nghiệm về ý kiến, học ngành quản trị khách sạn mà chỉ học trên giảng đường là chưa đủ mà phải đi thực tế để trải nghiệm, tìm hiểu, vượt qua những thách thức để biết giới hạn thực sự của bản thân ở đâu, Ánh thấy rất đúng bởi bản thân cô nàng xứ Thanh cảm nhận được rằng đi càng nhiều nơi, biết càng nhiều người, hiểu thêm nhiều chuyện thì tầm nhìn càng rộng mở và quan trọng là mình biết quay lại và trân trọng hơn những giá trị cốt lõi như gia đình, bạn bè và tình yêu.

Đặc biệt là với sinh viên ngành du lịch nói chung và ngành khách sạn nói riêng, việc đi thực tế giúp mình hiểu hơn về những sản phẩm dịch vụ mà ngành cung cấp, bên cạnh đó có thêm nhiều câu chuyện để chia sẻ cho khách hàng và kể lại cho những người khác.

“Khi là sinh viên, em từng đi đến một số địa điểm trong nước như Ninh Bình, Lai Châu, Sapa, Hòa Bình,…còn nước ngoài thì em từng đi Pháp và Ý. Đây toàn là những chuyến đi em tự lên kế hoạch và đi cùng bạn bè.

Chuyến đi để lại cho em nhiều kỷ niệm nhất là chuyến đi Pháp vào năm 2019, em và các bạn của mình đã cùng nhau ngồi thuyền và ngắm hoàng hôn ở sông Seine, tận mắt chứng kiến cảnh tỏ tình lãng mạn dưới tháp Eiffel và lạc đường về nhà lúc nửa đêm tại Paris. Em đã kết bạn được rất nhiều người thú vị trên chặng đường của mình và học được nhiều điều bổ ích”, Ánh kể.

Trong 4 năm đại học, Ánh giành 6 kỳ học bổng của nhà trường, học bổng của tập đoàn Hòa Phát và học bổng của Vietcombank cho sinh viên xuất sắc (ảnh: NVCC)

Khi cầm tấm bằng đại học với xếp loại xuất sắc, phóng viên hỏi Ánh về dự định trong tương lai thì em kể, hiện giờ chưa là nhân viên chính thức tại đâu cả mà đang có một khoảng thời gian như “gap year” để làm những điều mình thích và chuẩn bị cho việc học cao học. Hiện tại em đang làm thực tập sinh cho một tổ chức phi chính phủ nhằm phát triển năng lực của người trẻ thông qua hoạt động tình nguyện và trao đổi quốc tế.

“Quan điểm của em là mình chỉ có 4 năm đại học nhưng mình có cả 40 năm để làm việc. Em không đi làm thêm quá nhiều trong năm học mà tận dụng thời gian hè để trải nghiệm, vào hè năm thứ 2 thì em làm chạy bàn tại một khách sạn ở phố cổ, hè năm thứ 3 em bắt đầu đi thực tập ở một khách sạn 5 sao tại Hồ Tây.

Dịch bệnh COVID-19 là một yếu tố khiến cho nhiều khách sạn cắt giảm nhân sự và ít đăng tuyển người, em và nhiều bạn gặp khó khăn trong việc tìm chỗ thực tập cũng như tìm việc làm. Nhiều dự định của em cũng bị hoãn và hủy do dịch khó kiểm soát.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Ánh chiêm nghiệm rằng, điều mà các bạn học ngành Quản trị khách sạn và các em học sinh cần chuẩn bị kỹ lưỡng để có một công việc phù hợp đó chính là: Học tốt ít nhất một ngoại ngữ nhằm mở rộng cơ hội và tăng khả năng hội nhập, học hỏi từ các quốc gia khác để phát triển đất nước mình;

Rèn luyện khả năng lắng nghe tích cực, đây cũng là một yếu tố tạo thiện cảm với người khác, kỹ năng này thật sự quan trọng với sinh viên mới ra trường mà người ta vẫn thường có câu “thái độ hơn trình độ”.

Và có thể biết rộng nhưng phải biết sâu ít nhất một lĩnh vực, đó như một điểm mạnh – unique selling point của chính bản thân mình.

“Em tin là cũng như em trước đây, nhiều bạn không biết đam mê của mình ở đâu, có nhiều cách và nhiều cơ duyên để mọi người khám phá ra, một trong các cách đó là nỗ lực để biết sâu và cố giỏi ở một lĩnh vực, từ giỏi thì sẽ được nhiều người khen, rồi thành thích và sự yêu thích sẽ chuyển thành niềm đam mê”, tân thủ khoa 9X chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

Một số thành tích mà Ánh đã đạt được khi học ở trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Thủ Khoa xuất sắc chuyên ngành Quản trị khách sạn đợt 1 năm 2021 trường Đại học Kinh tế quốc dân

Giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp khoa 2019

Giải Khuyến khích nghiên cứu khoa học cấp trường 2019

Trong đội chung kết thế giới đại diện Việt Nam tại cuộc thi TAKEOFF!Challenge 2019 của tập đoàn Accorhotels

Sinh viên 5 tốt cấp thành phố năm học 2019-2020

Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tham gia chung kết HSBC Business Case Competition 2021 Việt Nam

6 kỳ học bổng của nhà trường, học bổng của tập đoàn Hòa Phát và học bổng của Vietcombank cho sinh viên xuất sắc.

Thùy Linh

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...