Home » Tin giáo dục » Chủ biên môn Ngữ Văn: Viết sách giáo khoa là “làm dâu triệu họ”, áp lực rất lớn

Chủ biên môn Ngữ Văn: Viết sách giáo khoa là “làm dâu triệu họ”, áp lực rất lớn

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 – Bộ Cánh Diều.

Phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống về sự khác nhau giữa chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới và chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành.

Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống cho biết sự khác nhau nằm ở 2 điểm căn bản:

“Thứ nhất, chương trình lần này có mục tiêu là phát triển “năng lực, phẩm chất”. Phát triển phẩm chất thì là kế thừa thôi, phát triển năng lực là điều mới.

Nói kế thừa là bởi vì từ trước đến nay dạy văn chính là dạy người, qua dạy văn để giáo dục phẩm chất, bồi dưỡng tâm hồn, phát triển nhân cách,…

Nói phát triển năng lực là điều mới vì chương trình trước đây chủ yếu chạy theo nội dung, theo hướng nhồi nhét kiến thức, chỉ quan tâm đến dạy thật nhiều tác phẩm, kiến thức tiếng Việt, kiến thức lý luận văn học, kiến thức lịch sử văn học,…

Nhưng cuối cùng 4 hoạt động ngôn ngữ của học sinh vẫn hạn chế: Đọc vẫn không hiểu; Viết không rõ ý, sai chính tả, ngữ pháp; Nói năng vẫn thiếu tự tin; Thái độ nghe không đúng.

Năng lực ở môn Ngữ văn là gì nếu không phải là học sinh sử dụng tốt và có hiệu quả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe.

Vì thế dạy Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực là dạy các em cách đọc, cách viết, cách nghe, cách nói chứ không chạy theo nội dung, nhồi nhét kiến thức.

Thứ hai, đây là chương trình mở, không phải chương trình đóng như trước đây:

Trước đây, chương trình đóng nghĩa là lớp 6 quy định rõ phải dạy những tác phẩm nào, bài thơ nào, truyện ngắn nào.

Còn bây giờ, chương trình mở thì không quy định những văn bản ấy, chỉ nêu những yêu cầu cần đạt về những năng lực thôi.

Ví dụ về đọc hiểu, học sinh phải biết cách đọc hiểu truyền thuyết, biết cách đọc hiểu cổ tích, biết nhận ra đặc điểm của thơ lục bát và cách đọc thơ lục bát.

Chương trình mới sẽ không quy định là dạy truyền thuyết phải dạy những truyện cụ thể nào, cho nên sách A có thể chọn truyện Thánh Gióng, sách B chọn truyện Sự tích Hồ Gươm, sách C chọn Sơn Tinh – Thủy Tinh,… Miễn là tác giả chọn đúng văn bản truyền thuyết để dạy cách đọc hiểu đạt kết quả tốt nhất.

Còn nhiều những điểm khác nữa nhưng đây là 2 điểm khác căn bản chi phối việc soạn sách giáo khoa”.

Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 – Bộ Cánh Diều. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Do chương trình mở nên đã tạo ra được nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Vì có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho nên phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi.

Về phương pháp giảng dạy, người giáo viên phải chuyển đổi phương pháp dạy theo hướng phát triển năng lực.

“Ví dụ khi dạy Văn bản thông tin, có bài: “Hồ Chí Minh và Tuyên ngôn Độc lập” thì không phải dạy lịch sử mà dạy cách đọc văn bản thông tin ấy. Nghĩa là cần hướng dẫn để học biết tại sao bài này lại đăng ngày 1/9, tên bài liên quan đến sự kiện lịch sử nào?

Tại sao phần đầu (Sapo) lại phải in đậm? Tác dụng và nhiệm vụ của Sapo là gì? Tranh, ảnh trong bài giúp làm sáng tỏ nội dung gì? Tại sao lại trình bày văn bản theo trật tự thời gian?…

Tương tự như vậy phải dạy cách viết, tức là không phải chỉ chăm chăm vào sản phẩm cuối là bài văn mà cần chú ý cả quá trình tạo ra bài văn ấy: Học sinh phải chuẩn bị như thế nào? Tìm ý, lập dàn ý ra sao? Diễn đạt dàn ý đó thành văn như thế nào? Cuối cùng đọc lại và chỉnh sửa ra sao?”, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, việc thay đổi phương pháp dạy học như vậy liệu có làm mất đi “chất văn” hay không? Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống cho rằng:

“Thứ nhất, phải hiểu chất văn một cách linh hoạt, đúng bản chất. Cụ thể học sinh phải biết xúc động, vui mừng, hồi hộp, sung sướng, đau khổ… với tác phẩm ấy bằng chính tâm hồn của các em. Chất văn không phải là ở hình thức thầy say mê thuyết giảng suốt giờ học cho bay bổng.

Thứ hai, việc tổ chức hoạt động cho học sinh tự khám phá không phải là giáo viên không có vai trò gì. Giáo viên phải dẫn dắt, gợi mở, tham gia để bình phẩm nhưng không được áp đặt toàn bộ cho học sinh”.

Quá trình triển khai chương trình mới phải diễn ra một cách đồng bộ, thay đổi mục tiêu, thay đổi nội dung, thay đổi phương pháp thì tất yếu phải thay đổi đánh giá.

Thay đổi lớn nhất trong đánh giá môn Ngữ văn là giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình mà xác định yêu cầu, mức độ, hình thức đánh giá.

“Ví dụ muốn kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh về một truyền thuyết nào đó thì không thể lấy một truyền thuyết trong sách giáo khoa A hoặc B, phải lấy 1 truyền thuyết khác mà học sinh chưa được học.

Tất nhiên độ dài, độ khó tương đương với văn bản đã học. Như vậy sẽ biết được học sinh đọc văn bản có hiểu hay không và hiểu có đúng thể loại không.

Trước đây học bài “Viếng Lăng Bác” xong, thầy cô lại ra đề vào đúng bài “Viếng Lăng Bác”, như vậy học sinh chỉ chép lại lời của thầy cô hoặc lên mạng để chép”, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống cho biết.

Sách giáo khoa là một loại hàng hóa, ấn phẩm rất đặc biệt, nhạy cảm. Nếu như một cuốn giáo trình đại học may ra nhiều nhất vài ba trăm sinh viên chuyên ngành đọc thì sách giáo khoa có đến hàng triệu con mắt đổ vào. Chính vì vậy sách giáo khoa bị soi rất kỹ, nhất là với sách giáo khoa môn Ngữ văn.

Chia sẻ về những thách thức gặp phải khi viết sách, Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống nói rằng không chỉ ông mà tất cả những tác giả biên soạn các bộ sách đều có những thách thức, áp lực khá lớn:

“Thứ nhất, do chương trình quá mới, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI là “Đổi mới căn bản và toàn diện” cho nên phải viết khác.

Tôi là người đã 30 năm làm chương trình và sách giáo khoa, qua 3 lần thay sách, tôi thấy đây là lần thay đổi rất quan trọng và căn bản.

Việc biên soạn sách theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực khác hẳn với việc biên soạn sách theo hướng nhồi nhét nội dung.

Trong khi đó, chúng ta lại không có một đội ngũ biên soạn sách giáo khoa chuyên nghiệp, phần lớn là tay trái.

Thứ hai, đây là chương trình mở, nên việc lựa chọn ngữ liệu đã là thách thức rất lớn rồi.

Thứ 3, phải biên soạn theo hướng tích hợp cả nội dung và kĩ năng, chứ không thể nội dung nghe, nói, đọc, viết tách rời.

Thứ 4, áp lực từ dư luận xã hội là rất lớn. Đây vừa là cái tốt, vì buộc các tác giả cần thận trọng và cố gắng hết mình; nhưng cũng đồng thời tạo cho người biên soạn sách những áp lực.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp đúng thì cũng có nhiều ý kiến phê phán một cách chủ quan, rất nhiều người còn chưa đọc, chưa thấy cuốn sách, mới chỉ nghe người này người kia nói rồi quay ra phê phán. Thậm chí đưa những thông tin không đúng sự thật.

Với các môn khoa học tự nhiên, phải có kiến thức chuyên sâu thì mới góp ý được, còn môn văn thì hình như ai cũng góp ý được.

Trong sách văn, các văn bản tác phẩm lại có rất nhiều quan điểm, nhiều cách hiểu, rất nhiều góc nhìn khác nhau, người thì bảo thế là tốt, người thì bảo thế là không tốt, người viết sách phải cân nhắc và xem xét trên rất nhiều góc độ khác nhau”.

Đình Hùng

Bình luận bài viết

x

Check Also

Học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn “nói không với điện thoại trong buổi học”

Giờ đây, thay vì cúi xuống nhìn điện thoại, các em có thời gian ngước ...