Đội ngũ giáo viên được coi là một trong những nhân tố quyết định để thực hiện đổi mới giáo dục thành công.
Song tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các địa phương đang đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.
Nhiều địa phương hiện nay đang áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục trình trạng này. Có địa phương đã giải quyết việc thiếu giáo viên bằng việc ký hợp đồng thỉnh giảng.
Tại Quảng Ngãi, ngành giáo dục tỉnh này đang đề xuất là một giáo viên có thể dạy nhiều trường. Đề xuất này của Quảng Ngãi đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là đối với đội ngũ giáo viên. Đây liệu có thể được coi là giải pháp lâu giải đối với ngành giáo dục?
Trao đổi với Tạp chí Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho rằng vấn đề này nên chỉ là giải pháp tình thế.
Nói về nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng trị, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là việc dự báo, tính toán nhu cầu chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Nhiều địa phương đang xử lý chưa đúng với nhu cầu thực tế để đảm bảo đủ định mức và chủ trương tinh giản biên chế.
Một giáo viên dạy nhiều trường khó có thể áp dụng với miền núi, vùng khó khăn. Ảnh: LC |
Việc áp dục mục tiêu tinh giản 10% biên chế một cách cơ học, máy móc nên đã cắt giảm giáo viên mà không tính toán đến yếu tố đặc điểm vùng miền, cơ cấu môn học, tiết học, cấp học và nhu cầu định mức giáo viên theo quy định.
Vì vậy, mâu thuẫn giữa thực hiện yêu cầu tinh giản biên chế một cách cứng nhắc, cào bằng với nhu cầu định mức giáo viên đã ảnh hưởng đến chất lượng và yêu cầu đổi mới giáo dục.
Do vậy nhiều địa phương, nhiều trường hiện nay đang phải loay hoay với bài toán thiếu giáo viên.
Nói về việc áp dụng giải pháp một giáo viên có thể dạy nhiều trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, tại Quảng Trị, ở một số huyện cũng đã áp dụng việc một giáo viên dạy nhiều trường.
Tuy nhiên, việc một giáo viên dạy nhiều trường chỉ áp dụng được ở một số môn có ít chỉ tiêu giáo viên.
Ví dụ như ở một số trường, chỉ tiêu môn là 1,5, nếu tuyển 2 thì thừa mà tuyển 1 thì thiếu nên các địa phương linh động áp dụng việc một giáo viên kiêm nhiều trường và cũng chỉ áp dụng tại các cấp bậc học dưới Trung học phổ thông. Bởi khoảng cách địa lý của các trường trong phạm vi gần.
Việc áp dụng này về cơ bản cũng đã đáp ứng được vấn đề trước mắt của nhiều trường về thiếu giáo viên.
Nói về việc đảm bảo việc một giáo viên dạy nhiều trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết: “với giáo viên thỉnh giảng là viên chức thì họ cần phải đảm bảo và ưu tiên thời gian dạy của mình ở trường chính.
Để có thể giảng dạy được nhiều trường, giáo viên thực hiện việc thỉnh giảng cần phải đảm bảo công việc giữa trường thứ nhất và các trường tiếp theo.
Còn đối với giáo viên chưa phải là viên chức, việc này đã được đề cập cụ thể trong thông tư 44/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên các trường có thể chủ động.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc cho giáo viên giảng dạy nhiều trường chỉ nên coi là giải pháp tình thế và không nên mở rộng để làm đại trà.
Bởi theo cô Lê Thị Hương, với giáo viên, ưu tiên cao nhất vẫn là ổn đinh giảng dạy tại một trường, bên cạnh địa lý di chuyển, đi lại còn nhiều vấn đề khác, nếu kéo dài việc một giáo viên giảng dạy nhiều trường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trong đó có việc giải quyết các chế độ làm việc, chế độ sức khỏe cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên nữ. Bên cạnh đó, rất khó có thể áp dụng với các cấp học như Trung học phổ thông hay miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Về tính lâu dài, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, giải pháp quan trọng nhất vẫn là các trường cần phải ổn định số lượng giáo viên trong trường của mình.
Do đó, các ngành cần có những ra soát cụ thể, đảm bảo nhu cầu thực tế của đơn vị. Nhiều đơn vị tính một cách cơ học ra thì trường thiếu 0,8 chỉ tiêu, trường thiếu 0,2… những thiếu hụt cơ học như vậy rất khó để các trường chủ động nhân lực. Nhất là đối với các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật…
Trần Phương
Bình luận bài viết