Home » Tin giáo dục » Còn chạy theo điểm, bằng cấp thì không thể có học thật, thi thật, nhân tài thật

Còn chạy theo điểm, bằng cấp thì không thể có học thật, thi thật, nhân tài thật

“Học thật, thi thật để có nhân tài thật” là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đặt cho cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc ngày 6/5 vừa qua.

Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp rất chi tiết, cụ thể vào các vấn đề của ngành giáo dục. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự ủng hộ cao với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: “Ngành giáo dục đang bị cuốn vào vòng xoáy ngụy thành tích, đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới học không thật, thi không thật.

Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do chúng ta đang xác định sai về mục tiêu học tập, chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn và chưa thay đổi về quản lý, kiểm tra, đánh giá học sinh”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, “học thật thi thật” là vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục (Ảnh: Phạm Minh)

Theo đó, muốn đi đến “học thật thi thật” thì cần phải xác định được 3 vấn đề, tìm đáp án cho 3 câu hỏi: Học tập để làm gì?; Học tập như thế nào để đạt mục tiêu đề ra và quản lý, kiểm tra đánh giá như thế nào?

Trên thực tế, câu chuyện về bệnh thành tích đã được bàn luận rất nhiều nhưng vẫn chưa có một liều thuốc nào trị căn bệnh này dứt điểm. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong quan niệm của nhiều người, học hết lớp này đến lớp khác, học hết cấp này sang cấp khác cũng chỉ để lấy điểm số cao, nhận bằng cấp.

Nhiều trường hợp điểm số cao vì đã bớt xén yêu cầu, vì gian dối chứ không phản ánh năng lực thực sự của các em. Và một khi chạy theo thành tích, con người ta sẽ hình thành thói quen, những gì mong muốn không cần cố gắng mà vẫn muốn đạt được.

Trong khi đó, bố mẹ áp đặt con cái về thành tích, muốn con vào trường chuyên, lớp chọn, rồi quyết định luôn cả việc chọn nghề nghiệp cho con.

Ngay cả cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, về mục tiêu là rất tốt, khuyến khích học sinh sáng tạo, nghiên cứu nhưng vẫn còn hiện tượng khiến dư luận đặt rất hoài nghi về kết quả thực.

Chính sách giáo dục cũng đang chạy theo cuộc đua đó, chạy theo nhu cầu, mong muốn của người dân, chú trọng đầu tư, phát triển trường chuyên. Điều đáng nói là, chính ở các trường chuyên, chương trình học tập bị cắt xén, học sinh chỉ tập trung vào môn chuyên đã chọn để thi học sinh giỏi quốc gia. Như vậy là giáo dục đã không vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.

“Trên thực tế, bố mẹ kỳ vọng con học giỏi, thành tài là chính đáng. Nhưng phải nhìn nhận vào năng lực của con, phải để con phát triển lĩnh vực sở trường con yêu thích, không nên chỉ biết chạy theo thành tích.

Tất cả những câu chuyện nêu trên đã cho thấy một điều rằng, chúng ta đang sai lầm trong việc xác định mục tiêu học tập. Những kỳ thi áp lực mà học sinh phải trải qua, học sinh đỗ đại học rồi không quan tâm việc học, chỉ quan tâm đến một tấm bằng.

Học để làm gì? Không phải vì điểm số, không vì bằng cấp, học là để phát triển bản thân, đáp ứng được những nhu cầu xã hội đặt ra. Học để nâng tầm tri thức, hiểu biết nhưng phải nâng tầm được giá trị bản thân, phải đóng góp gì cho xã hội.

Học là để vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề. Nếu chỉ có tấm bằng nhưng không có năng lực thực sự thì tương lai chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì. Muốn học thật, thi thật để có những nhân tài thật thì trước hết cần phải xác định đúng mục tiêu học tập”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Vấn đề thứ hai cần lưu tâm là phương pháp giáo dục. Trong thời đại ngày nay, người học chủ động học tập bất cứ nơi đâu, học bất lúc nào nhưng giáo dục vẫn chú trọng dạy học kiến thức, kiểm tra kiến thức.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, đây là sai lầm cần thay đổi, nếu sai phương pháp sẽ khiến chúng ta thực hiện sai mục tiêu cơ bản của giáo dục.

Thầy cô không nên dạy theo cách truyền đạt kiến thức mà phải dạy học phát triển năng lực, vận dụng kiến thức tạo ra sản phẩm, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề.

Đa số thầy cô hiện nay dạy học nhưng chưa căn cứ vào năng lực, sở trường của từng học sinh. Mỗi em sẽ có năng lực riêng, tất cả học sinh không thể như nhau, chúng ta cần nhìn thẳng, nhìn thật điều này, với học sinh gặp khó khăn, yếu hơn thì cần có phương pháp phù hợp, cần được giúp đỡ.

Bên cạnh đó, việc tự học và tự rèn của học sinh là vô cùng quan trọng. Cần phải có phương pháp đúng đắn để các em tự học, tự chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện bản thân.

Cuối cùng, đổi mới đánh giá, thi cử cũng là một yêu cầu quan trọng được Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu ra để ngành giáo dục thực hiện “học thật, thi thật”.

Nếu vẫn kiểm tra kiến thức thì người học vẫn sẽ học theo cách đối phó, thi cử chỉ là cách để chạy đua điểm số, thành tích.

Đánh giá cần đánh giá cả quá trình, đánh giá sản phẩm, thực hành, đánh giá sự phát triển của học sinh, đạo đức, lối sống. Mục đích của đánh giá là để giúp học sinh phát triển, khuyến khích và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các em, không phải chúng ta đánh giá để xếp hạng cao thấp.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, học sinh học theo từng chuyên đề, các em được thi nhiều lần để lấy số điểm cao nhất. Đó là một cách khuyến khích sự cố gắng của học sinh.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Giáo dục đã có những đổi mới tích cực để phát triển giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới định hướng dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quy định mới về giảm số bài kiểm tra, đổi mới đánh giá giúp giảm áp lực học tập, thi cử.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Muốn giáo dục phát triển, muốn giải quyết bài toán “học thật, thi thật” thì toàn ngành cần phải cố gắng, cần phải thay đổi nhận thức về mục tiêu học tập. Học sinh, phụ huynh phải tự giác, thầy cô giáo phải nỗ lực học tập, thay đổi phương pháp dạy và toàn xã hội phải có trách nhiệm phát triển giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhiều chủ trương giáo dục đã đi đúng hướng nhưng thực hiện chưa đạt kết quả như mong đợi một phần vì chưa tháo gỡ về mặt cơ chế.

“Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra vấn đề cho giáo dục là tháo gỡ về mặt cơ chế, tức là nói đến vai trò tự chủ của mỗi nhà trường, tự chịu trách nhiệm xã hội.

Tuy nhiên, thực tế các cấp quản lý đang làm thay công việc của các trường, do đó cần trả lại quyền cho các trường để có người thật, việc thật.

Ví dụ khi giao cho quan chức địa phương tuyển giáo viên. Nói thẳng là nhiều người chạy để có một suất giáo viên tiểu học, trung học mất rất nhiều tiền. Chúng ta đã không làm tốt việc tuyển dụng theo năng lực thật.

Với các trường ngoài công lập, họ thiết lập cơ chế đánh giá giáo viên, trả lương giáo viên tương xứng và thu hút được người tài vào làm việc, nâng cao chất lượng giáo dục. Trường công lập cũng cần được tháo gỡ cơ chế để hoạt động dạy học đi đúng vào thực chất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, chọn lọc đội ngũ nhà giáo chất lượng, nhiệt huyết. Đầu tiên là hiệu trưởng, nhà quản lý phải biết cách tổ chức hoạt động trong nhà trường để đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu để có cơ chế trả lương theo kết quả giáo dục, tuyển chọn giáo viên có tài, có tâm để cùng toàn ngành đưa nền giáo dục cất cánh”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Phạm Minh

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...