Home » Tin giáo dục » Để không tái diễn bằng giả Đông Đô, vi phạm ngành đào tạo nào đóng cửa ngành ấy

Để không tái diễn bằng giả Đông Đô, vi phạm ngành đào tạo nào đóng cửa ngành ấy

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 10 bị can về tội “giả mạo trong công tác” trong vụ Trường Đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng cử nhân giả.

Trong vụ án, cơ quan điều tra xác định có 203 trường hợp đã được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả.

Rõ ràng, vụ việc trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ tiếng Anh khi chưa được phép và cấp bằng giả đã cảnh báo lỗ hổng trong cơ chế giám sát tuyển sinh, cấp văn bằng hai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đi liền với giao quyền tự chủ, trường được tự in văn bằng thì trách nhiệm xã hội rất lớn. Do đó, cơ sở giáo dục nào có bất kỳ hiện tượng vi phạm nào thì cần phải đóng cửa ngành học đó luôn.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC)

“Không đóng cửa toàn trường nhưng cần phải ngay lập tức đóng cửa ngành đào tạo khi có hiện tượng vi phạm bán bằng giả, không chỉ bằng Ngoại ngữ mà các bằng khác cũng vậy.

Thậm chí ngay cả việc tuyển sinh vượt quá quy định tức là “đồ giả”, khi chất lượng giả mà cấp bằng thật thì cần phải đóng cửa ngay và có phương án chuyển sinh viên ra nơi khác, đặc biệt thông qua phương tiện truyền thông cần phải thông báo cho toàn xã hội được biết. Có như vậy mới đủ bài học răn đe”, Tiến sĩ Vinh nói.

Bởi theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh lý giải, mua giáo dục là mua qua lòng tin chứ không hề biết sản phẩm giáo dục đó tròn méo ra sao, ấy vậy khi bị cấm tuyển sinh, đóng cửa ngành học thì mặc nhiên lòng tin từ xã hội sẽ không còn và người học nào dám đến nữa.

Cuối cùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước là phải đảm bảo lợi ích của người dân, người học, khi nâng cao quyền tự chủ mà không xử lý nghiêm hiện tượng phôi bằng thật mà chất lượng dởm thì đó là tiếp tay cho tiêu cực.

Trong khi đó, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, qua sự việc tại trường Đại học Đông Đô đặt ra một số kẽ hở cần Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đến nơi đến chốn.

Đó là quy định về đào tạo văn bằng 2 thật rõ ràng, chặt chẽ, những cơ sở giáo dục đại học nào được tổ chức đào tạo văn bằng 2 thì phải có kiểm định, kiểm tra thường xuyên chứ không phải để nhà trường thích làm gì thì làm vì nghĩ rằng trường đã được tự chủ.

“Đi kèm với tự chủ là tự chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát, nếu giám sát của Bộ không phủ kín thì phải tăng cường giám sát xã hội. Khi có quy trình chặt chẽ và có sự giám sát chặt chẽ của xã hội thì sẽ không có chuyện bằng thật mà giá trị giả và chẳng trường nào dám làm liều”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến khẳng định.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: N.Khánh)

Theo đó, muốn quy trình chặt chẽ thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến kiến nghị, khi cấp văn bằng 2 cần phải xác định quy trình đào tạo văn bằng 2.

Cụ thể, muốn học văn bằng 2 thì phải có văn bằng 1 và những nội dung nào trong chương trình học văn bằng 2 đã học ở văn bằng 1 thì mặc nhiên được công nhận. Khi đó, người học văn bằng 2 chỉ phải tham gia học những nội dung không có trong chương trình học văn bằng 1 mà có yêu cầu trong văn bằng 2.

Điều này cho thấy đầu vào tuyển sinh văn bằng 2 rất khác nhau bởi người học xuất phát từ khóa học, ngành nghề khác nhau nên mỗi người có một chương trình học văn bằng 2 khác nhau.

Đầu vào khác nhau nên có người chỉ cần học 1 năm, nhưng có người cần đào tạo 3,5 năm mới hoàn thành chương trình văn bằng 2 vì tùy thuộc vào chương trình học ở văn bằng 1 trùng lặp bao nhiêu % so với chương trình văn bằng 2 chứ không phải đồng loạt 2 năm như ở ta.

Muốn làm được như vậy thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng phải đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong khi đào tạo văn bằng 2 hiện nay của ta lại theo hình thức niên chế.

“Tôi đi nước ngoài thấy một người muốn học văn bằng 2 thì cần xuất trình chương trình học văn bằng 1 rồi phòng đào tạo nhà trường đó xét những môn nào của văn bằng 2 được miễn từ đó sẽ lộ ra một loạt các môn mà văn bằng 2 chưa có trong chương trình học văn bằng 1 mà người học phải đăng ký học.

Người học cầm kết quả đó để đăng ký học tín chỉ để khi nào tích lũy đủ sẽ được cấp văn bằng 2”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công An xác định 203 cá nhân được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả, các cá nhân đã sử dụng văn bằng này vào nhiều mục đích khác nhau.

Trong đó có 05 trường hợp sử dụng để học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 02 trường hợp sử dụng học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chỉ Minh; 01 trường hợp sử dụng văn bằng học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh; 02 trường hợp sử dụng văn bằng học nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học xã hội.

Ngoài ra, còn xác định thêm 01 trường hợp (thuộc 193 trường hợp được cấp văn bằng theo Kết luận điều tra số 13 ngày 13/11/2020) đã sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Trường Đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh đó, trong số 203 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, đã thu hồi tổng số 127 văn bằng.

Thùy Linh

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...