Home » Tin giáo dục » Giáo dục khởi sắc trên vùng chiến khu xưa

Giáo dục khởi sắc trên vùng chiến khu xưa

Tự hào vùng đất hai chiến khu

Trong những năm tháng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, mảnh đất Hiền Lương còn là nơi đặt căn cứ chiến khu Vần – Hiền (Làng Vần -Hiền Lương), một chiến khu đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng lực lượng cách mạng và tiêu diệt kẻ thù.

Từ căn cứ Vần – Hiền Lương, quân dân Phú Thọ – Yên Bái đã nhận Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, đặc biệt là lời căn dặn của Bác Hồ với đồng bào cả nước: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Vâng lời Bác, quân dân Phú Thọ – Yên Bái cùng cả nước đã từ các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đứng dậy Tổng khởi nghĩa, làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Chiến khu Vần – Hiền Lương, do có vị trí đồi núi hiểm trở, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Đại Phạm (Hạ Hòa) được Trung ương chọn làm nơi dừng chân của Liên khu X vào ngày 1 tháng 3 năm 1947. Tại địa điểm này, lực lượng của ta tiến hành các mũi tấn công địch tại Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Hòa Bình.

Tại xã Đại Phạm, Cục quân huấn đặt xưởng in để in tài liệu, sử dụng Hang Dơi để sản xuất vũ khí, đặt xưởng may quân phục tại khu vực đền Chu Hưng (xã Ấm Hạ). Đây cũng là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của Liên khu.

Hơn 70 năm qua, nhân dân Hạ Hòa vô cùng tự hào trước những chiến công oanh liệt mà quân và dân hai chiến khu đã lập nên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai chiến khu Cách mạng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Một thời gian khó

Xưa kia, Hạ Hòa vốn là vùng đất khó khăn, địa hình đồi núi hiểm trở, sông Hồng tách huyện thành hai vùng đất, bên này và bên kia sông nên việc đi lại, giao thương kinh tế của người dân đôi bờ gặp rất nhiều khó khăn. Cuối những năm 80, đầu những năm 90, cuộc sống của cư dân Hạ Hòa vô cùng khó khăn do lũ lụt, mất mùa liên miên. Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giáo dục trên địa bàn toàn huyện.

Những năm sau khi đất nước được hòa bình, giáo dục ở vùng quê Hạ Hòa gặp vô vàn thiếu thốn. Cả huyện chỉ có duy nhất một trường THPT, vì thế, con em nhân dân ở hai bên bờ sông dù phải cách từ 15 – 20 cây số vẫn phải đi bộ, chèo thuyền, ngồi đò để đến trường học chữ.

Cơ sở vật chất trường lớp học ngày ấy chủ yếu là tranh tre nứa lá, những lớp học tường trát rơm đất, đan vách, chống đỡ bằng bốn cọc tre bốn góc là khá phổ biến ở các nhà trường trên địa bàn. Những năm đói kém, mất mùa, tình trạng học sinh các xã bỏ học cấp 3 giữa chừng diễn ra khá phổ biến.

Vượt lên từ những khó khăn, thử thách, nhân dân Hạ Hòa đã bền bỉ, kiên trì để phát huy, gây dựng cho mình truyền thống hiếu học. Trong 10 năm gần đây, giáo dục Hạ Hòa đã có những bước tiến vững chắc, ngày càng khởi sắc về chất lượng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp.

Con chữ nở hoa

Đến nay, để đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các cấp học, huyện Hạ Hòa đã phát triển quy mô trường lớp lên 93 cơ sở giáo dục. Trong đó, có 33 trường mầm non, 33 trường tiểu học, 21 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS, 4 trường THPT; 1 Trung tâm GDNN – GDTX; 33/33 xã, thị trấn đã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng.

Tính đến nay, toàn huyện có 48 trường các cấp học đạt chuẩn quốc gia, trong đó, có ba trường THPT. Trong những năm qua, Hạ Hòa đã duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục THCS.

Trong những năm qua, Hạ Hòa đã thực hiện tốt việc tăng cường; kỷ cương, nền nếp học đường; tỷ lệ học sinh ra lớp nhà trẻ, mẫu giáo tăng so với năm trước. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực ở tất cả các ngành học, bậc học. Kết quả các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi và các cuộc thi khác đạt kết quả cao.

Cùng với việc quan tâm chỉ đạo hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, thị trấn, Hạ Hòa đã phối hợp với Sở GDĐT quan tâm xây dựng, nâng cấp Trung tâm GDNN – GDTX huyện nhằm đáp ứng được cơ bản các nhu cầu của người học trên địa bàn.

Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chắp cánh ước mơ cho con chữ các vùng quê, những năm qua, huyện Hạ Hòa đã không ngừng nâng cao chất lượng phong trào hoạt động khuyến học, khuyến tài. Đến nay 100% xã, thị trấn có tổ chức Hội với 531 chi hội, thu hút 25.246 hội viên tham gia. Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học – Dòng họ hiếu học – Cộng đồng khuyến học” được nhân rộng.

Sự khởi sắc con chữ ở vùng quê Hạ Hòa trong những năm qua đã góp phần tô thắm truyền thống hiếu học của miền quê trung du thanh bình. Sự nghiệp nơi đây đã và đang góp phần không nhỏ làm nên sự thay da đổi thịt và sự giàu đẹp của vùng đất chiến khu xưa.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...