Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04 /2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập thì đã có nhiều giáo viên lo lắng về chuyện giữ hạng, xuống hạng của mình.
Vì theo các Thông tư này, các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn bắt buộc nữa nhưng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì giáo viên hạng nào cũng được yêu cầu phải có.
Vậy nên, trên các diễn đàn của giáo viên có nhiều người hỏi nhau để, nhiều người tranh thủ quảng cáo về các lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng II, hạng I với nhiều hình thức học tập khác nhau.
Liệu trong thời gian tới đây có tạo nên “cơn sốt” về chuyện giáo viên các cấp đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không? Và, sau khi học xong rồi, có chứng chỉ này rồi thì giáo viên có giữ được hạng hay lên hạng cao hơn hay không?
Hình thức học online đang được quảng cáo nhiều trên các trang mạng xã hội của giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình, chỉ mang tính chất minh họa) |
Những giáo viên nào được yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp?
Đọc cả 4 Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành ngày 02/2/2021 thì mọi người dễ dàng nhận thấy là cả 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đều được yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Ngoài chuyện văn bằng về chuyên môn tương ứng với từng cấp học thì giáo viên hạng III, hạng II, hạng I của 4 cấp học này đều có từng ấy câu chữ giống nhau về tiêu chí chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Đó là: giáo viên hạng III: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III (đối với giáo viên mới được tuyển dụng vào giáo viên hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.
Giáo viên hạng II: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II”.
Và, giáo viên hạng I: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I”.
Như vậy, theo hướng dẫn của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì bắt buộc tất cả giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng tương ứng.
Những ngày qua đã có thông tin giáo viên hạng III không cần phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhưng nếu đọc chữ từng câu chữ trong điểm b, khoản 3 của các Thông tư này thì có lẽ không phải là vậy.
Bởi, tại điểm b, khoản 3, Điều 3 của các Thông tư này đều hướng dẫn giáo viên hạng III như sau: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III (đối với giáo viên mới được tuyển dụng vào giáo viên hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng)”.
Điều này có nghĩa là phần nội dung nằm trong ngoặc đơn là phần chú thích cho những giáo viên mới được tuyển dụng thì phải học để có chứng chỉ này trong thời gian cho phép là 36 tháng.
Những giáo viên đã được tuyển dụng lâu năm thì đương nhiên là phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của các Thông tư liên tịch trước đây, cũng như các Thông tư mà Bộ vừa mới ban hành.
Các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT có “tạo động lực” để giáo viên đi học chứng chỉ
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01,02,03,04 /2021/TT-BGDĐT thì những ngày qua, trên các trang facebook của các nhóm giáo viên các cấp học có rất nhiều thầy cô giáo tỏ ra lo lắng và trao đổi về chuyện giữ hạng, xuống hạng.
Nhiều thầy cô còn lên tiếng hỏi nhau để đi học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm giữ hạng mà mình đang có.
Chính vì thế, nhiều cá nhân cũng tranh thủ quảng bá về các lớp học này bằng nhiều hình thức học tập khác nhau mà nhiều nhất là hình thức học online với mức học phí dao động từ 2,3-2,5 triệu đồng/ chứng chỉ/ hạng.
Và có lẽ, nếu không học online thì thời điểm nghỉ hè tới đây các thầy cô giáo cũng sẽ phải đăng ký để học vì tâm lý ai cũng muốn học cho xong, học cho yên chuyện vì các văn bản đã hướng dẫn cụ thể như vậy rồi.
Theo quan điểm của cá nhân người viết, các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ra đời chưa thấy đem lại lợi ích gì đáng kể cho giáo viên nhưng đang khiến cho nhiều thầy cô giáo lo lắng về chuyện bắt buộc phải đi học thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Trong khi, đội ngũ nhà giáo trên cả có khoảng 1,3 triệu giáo viên mà nếu đều học cả, đem nhân với số tiền trên 2 triệu đồng/ 1 chứng chỉ thì chúng ta thấy lên đến con số trên dưới 3000 tỉ đồng cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giúp ích gì cho công việc giáo viên không?
Là người đã từng học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian qua nên chúng tôi thấy rằng chứng chỉ này không giúp ích được bao nhiêu cho cho công việc của giáo viên.
Bởi vì người đi học cũng chỉ vì học để có chứng chỉ, học cho nó xong vì đó là quy định phải có. Những trường đứng ra tổ chức dạy cũng chỉ vì để tăng thêm thu nhập cho nhà trường.
Các khâu trung gian đứng ra mở lớp, cho thuê địa điểm cũng chỉ vì được trích lại phần trăm “hoa hồng” trên số lượng học viên mà thôi.
Giáo viên phản hồi với nhau trên mạng xã hội (Ảnh chụp từ màn hình) |
Vì sao nói: “chứng chỉ này không giúp ích được bao nhiêu cho cho công việc của giáo viên” bởi 10 chuyên đề trong nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không có gì xa lạ đối với giáo viên đứng lớp.
Họ đã học, tập huấn, bồi dưỡng qua hết cả rồi, thậm chí có những chuyên đề đã được học, được tập huấn nhiều lần và họ đang áp dụng trong công việc hàng ngày trên lớp.
Hơn nữa, trong nội dung tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Bộ đang triển khai thì cũng có mặt gần hết các chuyên đề đang được giảng dạy ở lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Vì thế, có nhất thiết yêu cầu tất cả giáo viên các hạng phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không? Bởi, cho dù có được chứng chỉ này và chuẩn trình độ đáp ứng được thì với vô vàn tiêu chí như các Thông tư đã hướng dẫn thì giáo viên vẫn chỉ nằm ở hạng III là chủ yếu.
Vì thế, chúng tôi cho rằng nếu Bộ bỏ được chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là tốt nhất, nếu không bỏ được thì phải thay đổi nội dung, hình thức đào tạo. Nếu cứ dạy và học như thời gian qua thì uổng phí thời gian, tiền bạc cho giáo viên lắm!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
KIM OANH
Bình luận bài viết