Home » Tin giáo dục » Giáo viên phổ thông thành phố Hồ Chí Minh bức xúc vì Sở hoãn thăng hạng

Giáo viên phổ thông thành phố Hồ Chí Minh bức xúc vì Sở hoãn thăng hạng

Hồ sơ thăng hạng năm 2020 bị gộp chung với năm 2021?

Ngày 28/2/2021, một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên bậc trung học phổ thông ở thành phố này bị chậm trễ.

Giáo viên này cho biết, có 573 giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đủ điều kiện nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được thi hoặc xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II của năm 2020.

“Hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương năm 2020 lại phải xét cùng với hồ sơ năm 2021 và không biết chờ đến bao giờ mới được thăng hạng.

Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021 mà nay mới là 2/3/2021 nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ lại viện dẫn lý do thực hiện Thông tư mới để ngưng ra quyết định thăng hạng của năm 2020 liệu có hợp lý, có tuân thủ theo đúng các văn bản pháp luật hay không”, giáo viên băn khoăn.

Cùng với đó, giáo viên này kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Giáo dục và Sở Nội vụ xem xét lại quyết định này cho hợp tình, hợp lý.

Hàng trăm giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được xét hoặc thi thăng lên hạng II của năm 2020. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: M.THÚY/Baophuyen.com.vn)

Giáo viên phản ánh là hoàn toàn có cơ sở

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 15/5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 1391/GDĐT-TC thông báo về việc lập danh sách và hồ sơ viên chức có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp năm 2020. [1]

Đến thượng tuần tháng 6/2020, giáo viên bậc trung học phổ thông nhận được thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh “Danh sách viên chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương năm 2020”.

Danh sách này có 573 giáo viên đủ điều kiện được thi hoặc xét thăng hạng, trong đó có khoảng 50% giáo viên được miễn thi môn ngoại ngữ (tiếng Anh).

Tiếp đến, ngày 26/1/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản số 226/SGDĐT-TCCB yêu cầu các đơn vị cử người đến Sở Giáo dục nhận lại hồ sơ viên chức đăng kí thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã nộp từ ngày 15/5/2020. [2]

Tuy nhiên, ngày 23/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lại có công văn số 478/SGDĐT-TCCB [3] thông báo:

Ảnh chụp màn hình.

“Ngày 2/2/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021.

Các Thông tư này thay đổi một số nội dung liên quan đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp như: Hạng chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với Sở Nội vụ về các nội dung thay đổi nêu trên thì sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể và sắp xếp lịch rà soát trực tiếp hồ sơ đối với từng đơn vị.”

Chậm trễ thăng hạng là vô lí khiến giáo viên bị thiệt thòi

Có thể nhận thấy, việc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh chậm tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho giáo viên bậc trung học phổ thông năm 2020 là vô lí, khiến viên chức bị nhiều thiệt thòi.

Thứ nhất, theo Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 và Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 thì chỉ cần giáo viên đáp ứng ba tiêu chuẩn sau thì được xét hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

“Được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ;

Có đầy đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét kỷ luật;

Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký.”

Còn quy định mới (2021) yêu cầu giáo viên phải đáp ứng 9 nội dung của tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 2 nội dung có thể gây bất lợi cho người thăng hạng, đó là:

“Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên;

Phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Thứ hai, Sở Giáo dục viện dẫn Bộ Giáo dục ban hành Thông tư số 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có thay đổi một số nội dung liên quan đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp để ngưng ra quyết định thăng hạng cho giáo viên năm 2020 là chưa hợp lý – bởi các Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021.

Thứ ba, ngày 12/2/2020, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/3/2020; hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/12/2020. [4]

Như thế, Sở Giáo dục và Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh không biết vì lí do gì đã không tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho giáo viên năm 2020?

Thứ tư, giáo viên bị chậm hoặc mất cơ hội được thăng hạng thì sẽ ảnh hưởng không ít đến tiền lương.

Chẳng hạn như, từ ngày 20/3/2021, giáo viên bậc trung học phổ thông hạng II có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ 4,0 – 6,38 (so với giáo viên bậc trung học phổ thông hạng III có hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 – 4,98).

Ngoài ra, trong đơn phản ánh giáo viên cho rằng, 573 giáo viên bậc trung học phổ thông ở thành phố đã đủ tiêu chuẩn thăng hạng của năm 2020 thì các cấp có thẩm quyền ra quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Cần biết rằng, không phải giáo viên cứ đủ điều kiện về hồ sơ thăng hạng thì sẽ được các cấp có thẩm quyền ra quyết định thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Khi muốn thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn trong cùng ngành, lĩnh vực phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (Điều 29 Nghị định 29 năm 2012).

Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 12/2012/TT-BNV, Bộ Nội vụ nêu rõ: “Căn cứ vào đặc điểm của hoạt động nghề nghiệp và điều kiện cụ thể của đơn vị, ngành, lĩnh vực hoạt động sự nghiệp, các cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định hình thức thi hoặc xét thăng hạng với viên chức.”

Như vậy, việc lựa chọn hình thức thi thăng hạng hay xét thăng hạng là do cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp tổ chức quyết định căn cứ vào nhiều yếu tố như: đặc điểm của hoạt động nghề, nghiệp, điều kiện cụ thể của đơn vị, ngành, lĩnh vực hoạt động…

Qua bài viết này, kính mong Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh hãy có những quyết định hợp tình hợp lí nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho giáo viên để họ yên tâm công tác.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://f1.hcm.edu.vn/data/hcmedu/phongtccb/attachments/2020_5/1391_155202014.pdf?fbclid=IwAR1WWOHCx-qRBTONEQW3dlqoE0_CZfcTSHtUdES0tmuVpCWjCEW6Dm3aVk0

[2]http://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-ho-so-xet-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-doi-voi-vien-chuc-cmobile41012-66074.aspx

[3]http://hcm.edu.vn/thong-bao/ve-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-doi-voi-vien-chuc-c41012-66162.aspx

[4]https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truoc-31-12-2020-phai-hoan-thanh-to-chuc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nam-2020-1491862247

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-pho-thong-thanh-pho-ho-chi-minh-moi-mon-cho-thang-hang-post214486.gd

[6] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thi-thang-hang-giao-vien-thanh-pho-ho-chi-minh-con-phai-cho-doi-den-bao-gio-post215282.gd

[7] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-hoi-thang-hang-iii-len-hang-ii-cua-giao-vien-pho-thong-sai-gon-dang-hep-lai-post215874.gd?fbclid=IwAR2Y5a9grGMro3obClSbKbaGZhZAkIKugqkDdP4ieMeW2MCF90VAA_yCeVQ

[8] //luatvietnam.vn/can-bo-cong-chuc/giao-vien-thang-hang-khong-can-phai-thi-566-23885-article.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương

Bình luận bài viết

x

Check Also

Học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn “nói không với điện thoại trong buổi học”

Giờ đây, thay vì cúi xuống nhìn điện thoại, các em có thời gian ngước ...