Đau đầu chuyện ăn
Gửi con vào một trường mầm non tư thục ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) 2 tháng nay, chị Quyên lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Chỉ trong hai tháng, bé sút một kg, chị buồn bã: Cũng chỉ bởi cháu không thể quen nổi bữa ăn ở trường.
Khi còn ở nhà, vì nhiều thời gian rảnh nên chị Quyên thường xuyên lên Internet tìm hiểu những kiến thức dinh dưỡng, cũng như tham khảo nhiều công thức nấu ăn cho trẻ nhỏ. Mỗi bát cháo cho con đều được chị chăm chút cẩn thận. Thế nên, thời gian đầu đưa con đi lớp, nghe phản ánh của cô giáo là cháu rất kén ăn, nếu cố ép là nôn trớ, chị Quyên đã tìm hiểu và biết ngay nguyên do.
“Trường công khai thực đơn, cũng bữa cháo, bữa bún phở, bữa sữa, nghe thì hợp lý nhưng thực ra cách nấu không ổn. Chẳng hạn món cháo thường đặc sệt, thịt xay nhiều khi vón to như đầu đũa; bún thì lèo phèo ít cà chua, mấy miếng thịt mỏng dính, thử hỏi một đứa trẻ 2 tuổi sao nuốt nổi. ” – chị Quyên than vãn.
Không phải chỉ trường tư thục nơi chị Quyên cho con học rơi vào tình trạng này, ngay ở trung tâm Hà Nội, rất nhiều lớp mẫu giáo tư thục tổ chức bữa ăn bán trú còn chưa khoa học. Do đó, mới có chuyện nhiều gia đình đành tự nấu đồ ăn mang đến trường cho con mà không ăn đồ của nhà trường, dù tiền ăn vẫn đóng đầy đủ.
Để trẻ mầm non háo hức chờ đến giờ ăn là chuyện không đơn giản
Không “chuẩn” nào vượt qua “chuẩn mê ăn” của trẻ!
30 năm kinh nghiệm phục vụ dinh dưỡng cho trẻ mầm non, nguyên là tổ trưởng tổ nuôi của vườn trẻ 20/10, nay là bếp trưởng Trường mầm non Thần đồng (khu đô thị Văn Quán, Hà Nội), cô Nguyễn Thúy Hợp chia sẻ:
Với trẻ con, khi nấu, nhà bếp phải căn chỉnh theo tiêu chuẩn riêng của trẻ. Các nguyên tắc “bất di bất dịch” như thái nhỏ, nấu nhừ, vừa, không mặn, không nhạt. Nấu bát cháo không bị vữa. Tỉ lệ cho vào các món ăn phải đạt đủ calo, các chất đạm, mỡ, đường, vitamin phải được cân đối.
Người nấu ăn không những cần trình độ, mà còn phải khỏe mạnh và am hiểu nhiều điều nằm ngoài… cái bếp của họ, như bệnh lý của mỗi cháu, tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Nói chung, theo cô Hợp, không “chuẩn” nào vượt qua được “chuẩn mê ăn” của trẻ. Phải làm trẻ háo hức chờ đợi “giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi” thì mới là một bếp mầm non thành công.
Cô Hợp nhận định, nghề đầu bếp mầm non đòi hỏi cả sự sáng tạo và tập trung kỹ thuật, phải tâm đắc và tuyệt đối có đạo đức. Cô dạy nhân viên mình đứng vào vị trí người có con nhỏ và phải luôn quan sát trẻ thơ. Là người có bằng nuôi dạy trẻ và biết cách chăm sóc trẻ ăn uống, nhưng cô vẫn thấy khó khăn lớn nhất là đọc được suy nghĩ của trẻ.
Trẻ con sẽ chỉ lắc đầu chán ăn và cự tuyệt chứ không nói rõ lí do. Làm thế nào đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn kích thích con mắt háo hức của các con, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, đời sống các gia đình khá giả hơn không phải chuyện đơn giản.
Nói về tiêu chuẩn một bếp ăn mầm non đạt chuẩn, cô Hợp cho rằng, dù ở trường công hay trường tư, bếp ăn mầm non đạt chuẩn phải đảm bảo quy trình một chiều. Hàng thực phẩm phải rõ nguồn gốc, tươi, ngon, không ôi thiu, dập nát, có nhãn mác xuất xứ, hạn sử dụng. Đồ dùng sơ chế, chế biến được vệ sinh sạch sẽ. Nguồn nước sạch và luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, một vấn đề mà người bếp trưởng này luôn đau đáu là, ngoại trừ một số trường mầm non công lập có uy tín vượt trội, thì vấn đề dinh dưỡng mầm non ở các trường công lập chưa thực sự chuyên nghiệp. Thực trạng cô dạy được thuyên chuyển qua làm cô nuôi khá phổ biến. Các cô tự tích luỹ kinh nghiệm chứ không qua trường lớp nấu ăn, đào tạo bài bản về công thức dinh dưỡng cho trẻ mầm non.
Bên cạnh đó là vấn đề đầu tư cho nhà bếp trong trường cũng đáng lo ngại, từ khâu xây dựng để đáp ứng quy trình một chiều, trang thiết bị bếp nấu, lò sấy chén bát, dụng cụ nấu, đồ vệ sinh bếp, xe chuyên chở…
Đan Thảo
Bình luận bài viết