Thay vì dạy theo kiểu truyền thống thì hiện nay có không ít giáo viên, nhà trường triển khai nhiều hình thức học đổi mới theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm.
Có không ít học sinh phàn nàn rằng không có đủ thời gian để học, nhiều khi các em phải thức khuya để chuẩn bị cho phần thuyết trình ngày hôm sau, thậm chí có những buổi với 5 tiết học thì có tới 3 tiết phải thuyết trình. Thời gian đầu nhiều học sinh cảm thấy hứng thú với hình thức này nhưng nhiều quá khiến cho các em thấy nản.
Nhiều lớp phản ánh mất quá nhiều thời gian, có nhóm nêu sai kiến thức nhưng giáo viên không kịp điều chỉnh dẫn đến học sinh tiếp nhận kiến thức chưa đúng. Chưa kể tới thực tế khi nhóm khác thuyết trình phía trên bảng thì ở dưới có nhiều nhóm, nhiều bạn lại làm việc riêng, không chú ý.
Thầy Đỗ Văn Bảo: “Mục đích cuối cuối cùng của chúng ta là học sinh vận dụng kiến thức vào trong dự án thuyết trình thực tế và làm được cái gì trong đó. Hiện nay là đánh giá theo năng lực làm được cái gì? Còn chúng ta sẽ không đánh giá theo kiểu thuyết trình để thi xem học sinh nào nhớ nhiều hơn mà việc nhớ thì phải đọng lại kết tinh bằng sản phẩm”. Ảnh: T.D. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Đỗ Văn Bảo – Giáo viên dạy môn Toán Trường trung học Vinschool, người có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy cho biết:
“Hiện nay không có một phương pháp nào là duy nhất cho tất cả các môn học, không có phương pháp nào áp dụng cho tất cả các thầy cô. Vì vậy, để thực sự tối ưu quá trình dạy học chúng ta phải biết kết hợp các phương pháp khác nhau, lấy ưu điểm của phương pháp này để khắc phục những hạn chế của phương pháp khác, như vậy giờ học mới thực sự có chất lượng.
Về phương pháp cho học sinh thuyết trình, nếu như biết cách áp dụng thì đó là một phương pháp rất tích cực, việc này phát huy được năng lực của học sinh, đòi hỏi các em phải nghiên cứu bài trước, làm bài thuyết trình cũng như phải trả lời linh hoạt các câu hỏi chất vấn của các bạn trong lớp.
Các em phải học nhiều lần để trình bày về một vấn đề, khi xem sách là đã học một lần, khi viết là học lần thứ hai, khi trình bày trên lớp đồng nghĩa với việc học lần thứ ba và trả lời chất vấn là học lại lần thứ tư. Vậy rõ ràng của việc học thuyết trình là rất căn bản, học sinh hiểu sâu về kiến thức.
Giáo viên gợi được cho học sinh nhu cầu phản ứng bằng cách: Nếu bạn nào có câu hỏi làm sâu sắc hơn vấn đề đối với bài thuyết trình này thì thầy sẽ cộng điểm. Như vậy sẽ khuyến khích các em tập trung tìm hiểu, tạo không khí tranh luận và lắng nghe bài thuyết trình của bạn”.
Giáo viên có “nhàn” hay vất vả hơn?
Thầy Bảo chia sẻ: Để điều hành cuộc chất vấn nếu nhìn về mặt hình thức mọi người tưởng giáo viên sẽ rất nhàn, chỉ việc ngồi nghe. Thực ra khi giáo viên để học sinh thuyết trình thì bản thân thầy cô phải chuẩn bị rất nhiều trước đó, lường hết các tình huống như các em thuyết trình chưa đúng, phần chất vấn của cả lớp lại sa đà sang việc tranh cãi chứ không phải tranh luận tích cực.
Giáo viên phải chịu trách nhiệm cuối cùng về tính đúng, sai, phải chuẩn hóa kiến thức và đặc biệt phải quản lý được thời gian của từng bài thuyết trình để không bị “cháy” giáo án.
Cấp phổ thông mỗi tiết học có 45 phút đồng hồ nên giáo viên phải rất chú ý, tránh cho thuyết trình quá dài không trọng tâm, cần phải biết can thiệp đúng lúc và không làm gián đoạn việc tranh luận của cả lớp”.
Các em học sinh Trường trung học Vinschool trong giờ học. Ảnh minh họa. Nhân vật cung cấp. |
Phải chăng quá lạm dụng thuyết trình?
Thầy Bảo nói: “Thời gian thuyết trình bị lạm dụng quá dẫn đến giáo viên không còn thời gian để củng cố kiến thức, hoặc chuyển sang các hoạt động luyện tập khác.
Nếu thầy cô quá lạm dụng thuyết trình thì về mặt hình thức thấy rằng các em được chủ động sáng tạo, nhưng nếu môn nào cũng vậy thì dễ làm cho học sinh bị quá tải, không kịp nghiên cứu tới nơi tới chốn mọi vấn đề.
Theo tôi việc học là quá trình bao gồm 5 hoạt động sau: Nghe, nói, đọc, viết và nghĩ. Đây có thể nói là 5 yếu tố có tương sinh, tương khắc. Có nghĩa nếu làm tốt yếu tố này sẽ giúp cho yếu tố sau tốt hơn.
Yếu tố tương khắc nếu bị lạm dụng nhiều quá sẽ làm khắc chế các yếu tố có lợi. Ví dụ thuyết trình bị phần nói nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến việc nghĩ. Học sinh phải nghĩ, phải nghiên cứu, thu thập tài liệu…đang nói thì không thể nghĩ được. Cần phải dừng nói để nghĩ một chút thì việc nói sẽ tốt hơn.
Việc chia học sinh theo từng nhóm để làm bài thuyết trình theo tôi ở mức độ vừa phải, nên chăng mỗi tuần chỉ thực hiện với 1 môn học vì cần phải có thời gian để các con nghiên cứu, thu thập tài liệu để đủ đọc, đủ ngấm, đủ viết, đủ nghĩ thì sau đó viết bài thuyết trình mới có chất lượng, đồng thời còn phải hoàn thành bài tập của những môn khác.
Nên có một sự thống nhất giữa các bộ môn với nhau để tránh tình trạng trong một ngày mà có tới 2 – 3 môn cùng thực hiện bài thuyết trình, dẫn đến học sinh không đủ thời gian, bài sẽ không tốt.
Mục đích cuối cuối cùng của chúng ta là học sinh vận dụng kiến thức vào trong dự án thuyết trình thực tế và đã làm được cái gì trong đó. Hiện nay đánh giá theo năng lực làm được cái gì? Còn chúng ta sẽ không đánh giá theo kiểu thuyết trình để thi xem học sinh nào nhớ nhiều hơn mà việc nhớ thì phải đọng lại kết tinh bằng sản phẩm”.
Theo thầy bảo: “Ví dụ trong một tuần nếu có 4 tiết Toán thì giáo viên phải lựa chọn tiết học nào đó để thuyết trình cho “đắt”, không nên làm quá nhiều lại phản tác dụng. Nên cho học sinh tập chung vào vấn đề thực hành và ban đầu chỉ nhắc lại vấn đề về kiến thức cũ rồi rèn luyện kỹ năng.
Có những tiết học về mặt lý thuyết hình thành kiến thức, nếu giáo viên nói thì kiến thức sẽ trôi qua nhanh không có sự tranh luận, vậy không giao tiếp với kiến thức nhiều thì nên để cho học sinh thuyết trình. Những tiết lý thuyết hợp với học sinh thuyết trình hơn và đồng thời những em khác chất vấn sẽ làm rõ được nhiều vấn đề, lúc đó tiết thuyết trình mới “đắt”.
Thuyết trình nên để phát huy nội dung nào hay thì dùng còn không hay cần bỏ qua, không nên lạm dụng. Nếu để học sinh nghĩ nhiều mà không được viết ra cũng không tốt, nhiều giáo viên cho học sinh đọc chép quá nhiều với những bài văn mẫu thì vô hình chung học sinh mất đi tính sáng tạo. Cần phải cân bằng nghe, nói, nghĩ, đọc, viết”.
Trong khi các em đang cần học vẽ hình từng nét, từng đường tròn ra sao, tam giác dựng thế nào…? Thì thầy cô không thực hiện qua từng bước đó mà lại đưa luôn hình đã vẽ hoàn chỉnh. Ảnh: T.D. |
Cần làm gì để học sinh tập trung nghe thuyết trình?
Có một thực tế khi nhóm khác thuyết trình thì nhiều nhóm, nhiều bạn ngồi dưới lại làm việc riêng, không chú ý. Vậy giáo viên cần làm gì để khắc phục tình trạng trên? Thầy Bảo chia sẻ thêm: “Học sinh không để ý hoặc làm việc riêng vì có thể các em đang bận nghĩ đến bài mình phải thuyết trình ngay sau đó.
Cũng có thể nội dung thuyết trình đó được giáo viên chia làm nhiều phần và giao cho nhiều nhóm cùng làm, khi bạn thuyết trình về phần kia thì mình đang phải nghĩ phần này.
Vậy nên giáo viên lưu ý: Cần thông báo nội dung hôm nay nhóm này sẽ thuyết trình, các em còn lại cần tập trung để nghe và góp ý. Bất kỳ nhóm hay em nào cũng phải đưa ra được kết quả.
Nhóm nào cũng phải đưa ra góp ý, có thể viết vào phiếu phản hồi, bạn nào không có sẽ bị trừ điểm. Giáo viên có thể phát trước phiếu trả lời những vấn đề liên quan đến bài thuyết trình đó để khuyến khích học sinh tìm hiểu xem bạn trình bày về vấn đề gì, phần nào trong bài các em thấy ấn tượng nhất và theo con cần góp ý cho bạn điều gì?
Nếu giáo viên làm được như vậy thì đã khuyến khích, thu hút được cả lớp phải nghe, phải tham gia vào bài thuyết trình, tránh tình trạng có em hay có nhóm không quan tâm rồi dẫn đến hổng kiến thức. Không nghe và không trả lời sẽ làm cho kiến thức bị trôi tuột”.
Giáo viên chưa hiểu rõ về thuyết trình?
“Quay trở lại việc hiện nay có một số ít giáo viên dùng máy chiếu trong giờ học, ai nhìn vào cũng thấy rõ là giáo viên đó dùng máy chiếu và có áp dụng Công nghệ thông tin vào bài giảng, nhưng thực chất họ chỉ chiếu lên đó phần đầu bài rồi vẫn quay ra đọc cho học sinh chép.
Thậm chí có người chiếu luôn file Word toàn chữ lên màn hình mà không hiểu được việc đó sẽ làm cho học sinh nhàm chán. Nghe qua thì thấy bài giảng đó có yếu tố công nghệ thông tin nhưng thực chất là không giúp ích gì cho học sinh.
Ví dụ có giáo viên Toán chiếu lên một hình vẽ, điều đó đã sai về mặt sư phạm bởi trong khi các em đang cần học vẽ hình từng nét, từng đường tròn ra sao, tam giác dựng thế nào…? Thì thầy cô không thực hiện qua từng bước đó mà lại đưa luôn hình đã vẽ hoàn chỉnh.
Vậy theo tôi đổi mới phương pháp giáo dục là tốt cho học sinh nhưng các nhà trường cũng cần lưu ý rằng giáo viên muốn áp dụng phương pháp mới, ứng dụng Công nghệ thông tin, thuyết trình… cũng cần phải được học, được tập huấn thành thạo, khi đó mới có thể làm tốt được, tránh tình trạng hiểu chưa cặn kẽ lại lạm dụng khiến cho học sinh mệt mỏi, không tha thiết với môn học hoặc học qua loa, đối phó”.
Tùng Dương
Bình luận bài viết