(GDTĐ) – Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Kon Tum đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1 năm học 2013 – 2014.
Theo đó, đánh giá thường xuyên được thực hiện trên lớp học theo tiến trình các bài học, các hoạt động giáo dục ở nhà trường, được thực hiện cho tất cả các môn học.
Đánh giá thường xuyên được thực hiện bằng nhận xét. Trong đó tập trung nhận xét của giáo viên về những nội dung học sinh đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.
Đánh giá thường xuyên sẽ gồm hoạt động đánh giá của giáo viên, học sinh tự đánh giá và phụ huynh đánh giá.
Theo đó, với giáo viên, đánh giá thường xuyên không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học và được đánh giá bằng nhận xét. Trong giai đoạn học sinh lớp 1 chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo lời nhận xét bằng lời trực tiếp với học sinh. Khi học sinh đã đọc được, giáo viên ghi nhận xét vào trong vở học sinh.
Lưu ý, trong quá trình đánh giá thường xuyên, giáo viên nên có hình thức động viên khi học sinh hoàn thành yêu cầu, không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D, …), so sánh học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào…
Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét phải được đánh giá theo từng mức độ học sinh hoàn thành theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và gắn liền với lời nhận xét cho phù hợp.
Đối với đánh giá định kỳ, các môn Tiếng Việt, Toán, ngoài kiểm tra vào cuối năm học di Phòng GDĐT ra đề kiểm tra chung được đánh giá bằng điểm số (thang 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân), kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý, sửa lỗi cho học sinh. Các bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ I, cuối kỳ I, giữa kỳ II) được đánh giá bằng nhận xét như đánh giá thường xuyên.
Những môn khác như Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Thủ công, Tiếng Anh được đánh giá bằng nhận xét theo quy định của Bộ GDĐT.
Hiếu Nguyễn
Bình luận bài viết