Lan tỏa lòng yêu thương, nhân ái
Tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vốn là truyền thống quý báu của dân ta từ xưa đến nay. Trong hoàn cảnh khó khăn, sự giúp đỡ của những người xung quanh là điều vô cùng đáng quý, là hành động mang tính nhân ái cao.
Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà (Đông Hà, Quảng Trị) đã tổ chức hoạt động “Chăm sóc cụ bà neo đơn” với mong muốn cùng đồng hành và sẻ chia đến những người già cô đơn, không nơi nương tựa. Hoạt động đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng cao từ trong và ngoài trường.
Hiện có 7 chi đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà đang đảm nhận chăm sóc 7 cụ già neo đơn – hầu hết là những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thường xuyên đau ốm, thiếu thốn về vật chất và tinh thần.
Hoạt động tình nguyện “ Chăm sóc cụ bà neo đơn” của đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà. Ảnh: Đoàn trường Đông Hà |
Đây là hoạt động không chỉ giúp các cụ, mà còn giáo dục chính các em về lòng tương thân tương ái trong cuộc sống.
Đã thành một thói quen, cứ mỗi khi hết tiết học vào thứ 7 hàng tuần, các em học sinh sẽ đến nhà để giúp dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc vườn, giặt quần áo….
Ngoài ra vào các ngày lễ, ngày Tết, các em sẽ đến tặng quà, thăm hỏi cùng các cụ. Ước muốn lớn nhất của các em học sinh là giúp các cụ luôn vui vẻ, mạnh khỏe, không còn cảm giác cô đơn của tuổi già.
Vì vậy, ngoài giúp đỡ trong sinh hoạt thì các đoàn viên dành phần lớn thời gian để trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện hằng ngày trong cuộc sống, tạo ra những món quà lớn nhất về mặt tinh thần.
Đối với những học sinh còn nghịch ngợm, ham chơi, không nghe lời, sau khi tham gia vào hoạt động tình nguyện đã thay đổi.
Hoạt động lan tỏa yêu thương. Ảnh: Đoàn trường Đông Hà |
Tại lớp 11A5, sau khi trở thành những người chăm sóc các cụ già, các em đã biết đồng cảm với những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống để từ đó biết lắng nghe, quan tâm đến những người xung quanh.
Những đoàn viên này đã trở thành các thành viên có hoạt động chăm chỉ, tích cực nhất trong quá trình tình nguyện.
Để duy trì quỹ cho hoạt động, các đoàn viên, chi đoàn đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau như: thu gom giấy vụn, tiết kiệm chi tiêu, vận động ủng hộ, đóng góp cá nhân…
Sau 2 năm hoạt động, đến nay đã có 7 chi đoàn tham gia nhận chăm sóc, hỗ trợ các cụ già neo đơn. Đó là các chi đoàn: 10A2, 11A2, 11A4, 11A5, 12A1, 12A7, 12A10. Đây là hoạt động được đông đảo học sinh, ban giám hiệu cũng như các bậc phụ huynh đồng thuận và ủng hộ bởi ý nghĩa nhân văn, giúp các em rèn luyện được kỹ năng sống cũng như hiểu được trách nhiệm của đoàn viên trong môi trường thực tế.
Chia sẻ yêu thương
Tiếp nối chương trình “Tình nguyện gắn với những địa chỉ nhân đạo” mà Đoàn trường đã triển khai, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp năm 2020 – Ban thường vụ Đoàn trường đã đến thăm, tặng quà và động viên những hoàn cảnh khó khăn được nhận chăm sóc bởi các Chi đoàn trong nhà trường.
Phần quà gồm có các nhu yếu phẩm (gạo, nước mắm, dầu ăn…) và tiền mặt, nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn vượt qua khó khăn trong thời gian cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Chi đoàn 10A9 tham gia chương trình tình nguyện tại Trường Trẻ em Khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Đoàn trường Đông Hà |
Bên cạnh “Chăm sóc cụ Bà neo đơn”, đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà còn xây dựng “Quỹ sẻ chia yêu thương” nhằm chung tay giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó trong nhà trường.
Quỹ đã thành lập được 3 năm thông qua nguồn kế hoạch nhỏ và hỗ trợ kinh tế của các cựu học sinh. Mỗi tháng sẽ có 9 đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được trao học bổng, mỗi suất 500.000 đồng/bạn.
Không chỉ vậy, năm 2020 đã xảy ra trận lũ lớn trong lịch sử, gây ra nhiều thiệt hại về vật chất. Đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà đã chung tay quyên góp, hỗ trợ những phần quà cho những em học sinh chịu ảnh hưởng của lũ lụt trong và ngoài trường.
Từ hoạt động này, Đoàn trường đã ủng hộ tổng cộng hơn 30 triệu đồng, 4 tấn gạo và 2000 quyển vở cho học sinh trong trường; trao 70 phần quà cho các em học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa; kết nối với Đoàn trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long – Quảng Ninh đến trao quà cho trường Mầm Non Hải Lâm – huyện Hải Lăng, phần quà gồm 02 bộ máy tính, 25 chiếc chăn và 01 máy xay thịt với tổng trị giá 17,5 triệu đồng…
Thầy giáo Lê Anh Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên trường Đông Hà cùng các đoàn viên đến thăm gia đình các cựu chiến binh Trường Sa. Ảnh: Đoàn trường Đông Hà |
Ngoài ra, đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà còn tham gia chương trình tình nguyện tại Trường Trẻ em Khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Tại đây, các bạn Đoàn viên thanh niên đã tổ chức giao lưu văn nghệ, các trò chơi, quà bánh cho các em nhỏ.
Chương trình cũng đã tặng gần 100 đôi giày cho các em học sinh đang học tập tại trường.
Với mục tiêu giáo dục cho Đoàn viên thanh niên trong nhà trường về truyền thống uống nước nhớ nguồn; tri ân các anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đoàn trường Trung học phổ thông Đông Hà đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình thân nhân Liệt sĩ, Cựu chiến binh trên địa bàn thành phố và tặng quà cho các học sinh là con Liệt sĩ đang học tập tại trường.
Câu lạc bộ Kỹ năng – Đoàn trường Đông Hà phối hợp cùng Đoàn phường 1 (Thành phố Đông Hà) đến thăm, tặng quà cho các gia đình thương binh, thân nhân Liệt sĩ trên địa bàn thành phố Đông Hà. Ảnh: Đoàn trường Đông Hà |
Trao đổi với Điện tử Giáo dục Việt Nam thầy giáo Lê Anh Phong, Bí thư Đoàn Thanh niên trường Đông Hà cho biết:
“Chuỗi hoạt động thiện nguyện của Đoàn trường Đông Hà mong muốn tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần nhân đạo bằng hàng loạt những hành động, phong trào với nhiều ý nghĩa.
Qua các hoạt động này Đoàn trường muốn khơi dậy niềm tự hào về truyền thống uống nước nhớ nguồn và giáo dục các em học sinh về lòng nhân ái biết san sẻ yêu thương cho các em học sinh.
Những hoạt động này không chỉ giúp các em học sinh có những bài học thực tế từ cuộc sống mà còn là dịp để để các em có thể thể hiện được lòng biết ơn, sự hiếu thảo đối với các bậc cha mẹ, ông bà và san sẻ yêu thương với những hoàn cảnh kém may mắn hơn”.
Minh Thu
Bình luận bài viết