Home » Tin giáo dục » Lớp chất lượng cao trong đại học công lập: Dịch vụ cao hay đầu ra tốt hơn?

Lớp chất lượng cao trong đại học công lập: Dịch vụ cao hay đầu ra tốt hơn?

(GDTĐ) – Bắt đầu từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT chính thức có văn bản hướng dẫn tuyển sinh chương trình chất lượng cao ở các trường ĐH và cho phép các trường được tự xác định chương trình và kinh phí đào tạo. Ngày càng có nhiều trường ĐH mở thêm chương trình (dịch vụ) đào tạo chất lượng cao (ĐTCLC). Sinh viên (SV) theo học các lớp CLC này chất lượng có thật sự cao hơn SV các lớp đại trà không là câu hỏi đang bỏ ngõ. Thực cho thấy các lớp CLC vẫn nặng về những yếu tố dịch vụ…

Bùng nổ lớp CLC


SV chương trình CLC của ĐH Tài chính – Marketing giao lưu với đại diện trường ĐH Newcastle
 

Mặc dù, từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT mới đưa ra quy chế cho phép khối các trường ĐH công lập được phép tự xác định mức học phí riêng, thông qua hình thức tự xây dựng chương trình ĐTCLC. Nhưng thực tế, một số trường ĐH đã bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo, tuyển sinh từ những năm 2006. Những bước đi “dọ dẫm” đầu tiên theo mô hình này có thể kể: Trường ĐH Mở TP.HCM triển khai “chương trình đặc biệt”, với quy mô đào tạo nhỏ và điều kiện học tập tốt hơn dành riêng cho sinh viên có điều kiện về kinh tế.

Cũng trong năm này, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM triển khai lớp CLC với chỉ 30 sinh viên/lớp… Mô hình đào tạo này chỉ xuất hiện rải rác ở một số trường ĐH và bắt đầu nở rộ sau khi Bộ GD-ĐT chính thức có văn bản hướng dẫn tuyển sinh chương trình CLC ở các trường ĐH (năm 2011). Với văn bản này, các trường sẽ được tự chủ hoàn toàn trong việc mở chương trình CLC để thu học phí cao.

Tuy nhiên, quy chế này không đưa ra tiêu chí hoặc quy định nào cụ thể. Do đó, nhiều trường ĐH công lập đã nhanh chóng xuất hiện các hình thức “Lớp học CLC”, “Chương trình CLC” và “Chương trình đào tạo đặc biệt”… Mùa tuyển sinh 2013 này, hàng loạt trường ĐH công lập thông báo tuyển sinh chương trình này. Những trường đã triển khai trước đó thì ngày càng nhân rộng ở nhiều ngành đào tạo. PGS.TS Ngô Anh Tuấn – trưởng khoa ĐTCLC, Trường ĐH SPKT TPHCM, cho biết: Năm 2006, Trường bắt đầu triển khai mô hình này, ban đầu có 3-4 lớp với khoảng hơn 120 SV, đến giờ đã 2200 SV, qui mô hơn gấp 10 lần ngày trước.

Điểm đáng chú ý ở đây là mức học phí SV phải đóng cao hơn nhiều lần so với SV đại trà, trong khi điều kiện đầu vào hầu như chỉ đạt điểm sàn (hay trên điểm sàn một chút). Năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu triển khai đào tạo chương trình chất lượng cao tại nhiều ngành ở các trường thành viên. Đối với ĐH Kinh tế TP.HCM thì đã triển khai chương trình này ở 2 ngành tài chính doanh nghiệp và ngân hàng từ năm 2011 và năm 2013 có 6 ngành ĐTCLC. Mức học phí chương trình này ở nhiều trường khoảng từ 12 đến 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó mức học phí trường công theo quy định trong năm học 2013-2014 từ 4,8 đến 6,8 triệu đồng/năm tùy theo nhóm ngành.

Bạn P.T. Nga, SV năm 4 chương trình ĐTCLC một trường ĐH, chia sẻ: “Khi thi đại học mình đăng ký vào ngành Kế toán của trường, tuy không đủ điểm chuẩn nhưng mình cũng được giấy báo của trường về việc trúng tuyển vào những ngành khác thuộc chương trình ĐTCLC. Sau đó, nhờ sự tư vấn của thầy cô trong khoa mình đã đăng ký vào học một ngành khác và đó cũng là sự lựa chọn sáng suốt. Khi càng học mình càng thấy hợp với ngành này và có niềm đam mê về nó. Về bên phía quản lý, khoa rất quan tâm đến SV và luôn tạo mọi điều kiện học tập tốt nhất dành cho SV. Mỗi năm 2 lần, khoa lại tổ chức những buổi gặp gỡ trao đổi lấy ý kiến của SV về công tác quản lý, từ đó đưa ra những hướng giải pháp mới…”.

Vẫn nặng về dịch vụ đào tạo cao

Học CLC, chất lượng có cao? Đó là câu hỏi mà khi đề cập đến chương trình ĐTCLC thì phụ huynh, thí sinh, nhà tuyển dụng… và ngành giáo dục cũng đều đặt ra. Mà đã CLC thì phải cao ở mức độ nào? Thực tế, để có sản phẩm ĐTCLC luôn là kỳ vọng của nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng đào tạo, hay rõ hơn là chất lượng của sản phẩm đầu ra luôn là một ẩn số, vì nó không thể cân đo, đong đếm, thế nên những khẳng định đều mang tính chủ quan của đơn vị đào tạo. Hiện nay, khái niệm ĐTCLC ở mỗi trường có một nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở hai khía cạnh: ĐTCLC là dịch vụ đào tạo cao và ĐTCLC thì chất lượng phải cao hơn chất lượng đại trà.

Mặc dù mới tham gia đào tạo chương trình CLC từ năm 2012, nhưng ĐH Tài chính – Marketing (UFM) khá tự tin về chất lượng ĐT của mình với quan niệm: ĐTCLC ra trường chất lượng phải khác biệt, cao hơn nhiều lần đối so với đại trà. TS. Phạm Hữu Hồng Thái – Phó hiệu trưởng UFM khẳng định chắc nịch rằng: CLC thì phải cao hơn chất lượng đại trà. Chương trình ĐTCLC của UFM là một bước khởi đầu cho những tham vọng thu hẹp khoảng cách với các chương trình đào tạo nước ngoài…

Theo TS. Thái, những điểm nhấn quan trọng nhất trong chương trình ĐTCLC của UFM là: Chương trình được thiết kế dựa trên chương trình của các đại học danh tiếng trên thế giới, cộng thêm một số môn học trong chương trình khung do Bộ GD-ĐT quy định. Đội ngũ giảng viên được chọn lọc, 50% GV có đi tu nghiệp ở nước ngoài, mời giáo sư của các trường ở nước ngoài về giảng dạy bằng tiếng Anh 50%. Sĩ số sinh viên ít, phù hợp cho thảo luận, học nhóm. Phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy sinh viên làm trung tâm. Phòng học được thiết kế theo tiêu chuẩn cao, trang thiết bị dạy và học hiện đại. Các môn cơ sở ngành và chuyên ngành được giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh. Theo thỏa thuận hợp tác mới đây giữa UFM và Trường ĐH Newcastle (Anh Quốc) thì SV học 3 năm ĐTCLC tại trường và sang Anh Quốc học năm thứ 4 lấy bằng tốt nghiệp do ĐH Newcastle cấp. Đây giống như chương trình 3 + 1 (3 năm ở VN, 1 năm ở Anh Quốc).

Ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì chương trình ĐT của các lớp CLC gần như không khác gì so với SV đại trà. PGS.TS Ngô Anh Tuấn – trưởng khoa ĐTCLC cho biết: Khái niệm ĐTCLC ở trường được hiểu là dịch vụ đào tạo cao. Trường tuyển những em trúng tuyển điểm đầu vào bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn của trường và có nguyện vọng học trong môi trường ĐTCLC. Sau đó, đưa người học vào môi trường mà ở đó nhà trường có thi hành các biện pháp quản lý ĐT chặt chẽ hơn và tạo thêm điều kiện về thực hành, cơ sở vật chất để học tốt hơn. Quan điểm ĐTCLC của trường là làm sao để cho người học đạt được mức tốt nhất có thể. Như khả năng của anh học có thể đạt ở mức 7 nhưng vì lý do nào đó anh học chỉ được 5-6, thì chương trình ĐTCLC sẽ có những biện pháp để anh đạt đúng mức khả năng của mình là 7, trong khi đại trà có những em cũng đạt mức 9-10. Vấn đề ở đây là đưa người học đến mức độ tốt nhất có thể của người đó.

Sự khác biệt giữa chương trình CLC so với chương trình đại trà, theo thông báo của một số trường thường nằm ở môi trường, điều kiện học tập. Phần lớn các trường không nhấn mạnh đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng như bằng cấp khi ra trường. Tuy nhiên, với ưu thế là trường công, chương trình này rất thu hút thí sinh. Thay vì vào các trường tư, cũng với mức học phí này, thí sinh sẽ chọn chương trình CLC của trường công. Thế nhưng, như lãnh đạo một trường ĐH ngoài công lập than: Đến thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa từng có văn bản nào quy định về tiêu chí chương trình này. Vì thế, mỗi nơi làm một kiểu và không tránh khỏi tình trạng đua nhau ĐTCLC chỉ để thu học phí cao. Trong khi các trường NCL đã khó tuyển sinh lại bị mất thêm một lượng lớn thí sinh.


 

Để có sản phẩm đầu ra đạt CLC là kỳ vọng của nhà trường. Hiện tại cũng chưa có sự đánh giá cụ thể về chất lượng của mô hình đào tạo này. Tuy nhiên, với dịch vụ đào tạo CLC, số lượng SV ít, sự quán xuyến của thầy cô đối với SV cao hơn…, chúng ta có quyền kỳ vọng chất lượng sẽ cao hơn…

TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Công Chương

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...