Home » Tin giáo dục » Mở lòng đón nhận yêu thương

Mở lòng đón nhận yêu thương

(GDTĐ) – Cô học sinh giỏi Văn một thời của Hà Nội, giờ đã là một chuyên gia tư vấn tâm lý của Báo Phụ nữ Việt Nam – Lê Phương Thanh. Dưới đây là những dòng ký ức đẹp của chị về thời đi học với rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ…

Đắm chìm trong sách

Cơ quan mẹ tôi nằm ngay phố sách Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Mỗi lần được mẹ cho lên cơ quan cùng, kiểu gì tôi cũng đòi mẹ dẫn đi nhà sách. Tôi có một niềm yêu thích đặc biệt với những cuốn sách, truyện thiếu nhi thời bấy giờ. Năng khiếu học văn của tôi bắt đầu “bùng nổ” khi bước vào lớp 5. Cô giáo chủ nhiệm nhận ra tôi là đứa trẻ có khả năng cảm thụ văn học khá tốt nên vô cùng ưu ái, giúp đỡ tôi trong học hành.

Cô thường cho tôi mượn thêm sách, truyện tham khảo để giúp tôi làm giàu vốn từ và cách thể hiện cảm xúc. Bên cạnh đó, cô còn định hướng cho tôi lối viết trong sáng, giản dị nhưng vẫn thể hiện cá tính riêng. Năm cuối cấp 1, tôi được miễn thi, tốt nghiệp loại giỏi và vào thẳng cấp 2. 

Trường tôi học nằm gần với đường Láng, con đường sách cũ nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ nên tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội lang thang tìm kiếm sách báo ở đây. Với điều kiện kinh tế gia đình không mấy dư dả, thì những tiệm sách cũ luôn là thiên đường với tôi. Tôi trở thành con mọt sách, đọc say sưa và bắt đầu phải đeo kính cận kể từ đây. Tôi luôn chờ đợi mỗi dịp nghỉ hè để được chìm đắm một cách trọn vẹn trong những cuốn sách với biết bao điều mới lạ, những kiến thức bổ ích. 


Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Phương Thanh
 

Bức tâm thư

Nhưng không phải mọi thứ đều hoàn hảo, có một sự thật tôi không thể phủ nhận được rằng, mình đã học lệch. Tôi có năng khiếu về các môn xã hội và đầu tư cho nó khá lớn nên có thành tích tốt thì ngược lại, môn Toán với tôi là cơn ác mộng thực sự. Đến đầu năm lớp 9, tôi mới bắt đầu hoảng hốt và lo sợ thật sự khi nghĩ tới việc sẽ phải đối mặt với kì thi tốt nghiệp.

Năm đó, giáo viên được phân công dạy môn Toán lớp tôi là một cô giáo trẻ, mới ở trường khác chuyển tới. Cô giáo trẻ nhưng chỉ cần nhìn cô thôi đã thấy cô rất nghiêm khắc, có uy rồi. Nỗi sợ hãi môn Toán của tôi bỗng trở thành sự ám ảnh đến ngạt thở.

Mất ba đêm liền, tôi trằn trọc không sao ngủ được, chỉ nghĩ cách làm thế nào để thoát khỏi tình trạng căng thẳng như hiện nay, việc cứ cố tình trốn tránh hiện thực như thế này cũng không giống tính cách của tôi nên bản thân vô cùng khó chịu.

Sau bao trăn trở tôi quyết định phải nói sự thật với cô giáo dạy Toán, nếu gặp trực tiếp trò chuyện cùng cô thì tôi hãi lắm, tôi lựa chọn phương án viết một bức “tâm thư” gửi cho cô. Lá thư tôi viết khá dài, tôi tâm sự cùng cô về nỗi sợ hãi học Toán tồn tại trong tôi bao lâu nay, những lo lắng mỗi khi trông thấy cô, hay trước khi bước vào tiết Toán.

Tôi cũng kể cùng cô là gia đình tôi không ai có thể kèm tôi học được môn này tốt cả. Tôi thấy xấu hổ với bố mẹ, bạn bè và các thầy cô giáo khác nếu họ biết được sự thật này. Tôi kể chi tiết những khó khăn khi bản thân phải tiếp thu những công thức toán học phức tạp, khô khan… Tôi còn nhớ trong lá thư ấy tôi còn khóc nữa. Viết xong, sáng hôm sau, đợi khi hết tiết Toán, tôi đã chạy theo cô khi cô ra khỏi lớp và lí nhí nói với cô : “Thưa cô, em viết thư này gửi cho cô, mong cô giúp em”. Tôi nhận thấy rõ nét mặt ngạc nhiên của cô khi cầm lá thư. 

Tôi hồi hộp chờ, đến ngày hôm sau, trong giờ ra chơi cô gọi tôi lên văn phòng bộ môn. Cô bảo cô rất vui khi được tôi tin tưởng tâm sự những khó khăn trong việc học Toán, cô còn xin lỗi tôi vì thời gian qua không nhận ra những bất ổn của tôi khi trong giờ cô dạy. Cô cho tôi địa chỉ nhà cô, nếu có thể thì tới nhà cô sẽ cô kèm thêm miễn phí. Hóa ra nhà cô lại rất gần nhà tôi và cô thì thật là hiền chứ không hề nghiêm khắc, đáng sợ như khi ở trên lớp. Mất 1 tháng để cô ôn lại những kiến thức căn bản tôi bị hổng, đồng thời củng cố bài mới trên lớp cho tôi. Năm đó tôi đi thi tốt nghiệp đạt điểm 8 môn Toán một cách tự tin, điểm số các môn thi khác cũng khá tốt nên tôi đã đỗ vào trường cấp 3 theo đúng nguyện vọng của bản thân. 

Mãi sau này khi ra trường, trưởng thành hơn, năm nào tôi cũng về thăm cô, cô vẫn nhắc với tôi rằng, cô quý sự dũng cảm ở tôi, đã không giấu dốt mà tìm đến cô, cô quý sự sợ hãi, biết xấu hổ nếu thi kém mà tôi đã viết thư cho cô. Nhiều năm sau, khi đi dạy và kể câu chuyện của tôi cho các học trò nhỏ làm gương, cô cũng đã nhận được nhiều lá thư như thế nên có lần cô còn nói cảm ơn tôi, làm tôi thấy xấu hổ mà rưng rưng nghĩ tới trường lớp xưa.

Phương Thanh

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...