Năm học 2021 – 2022, lớp 6 sẽ không còn ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà thay bằng môn mới – Khoa học tự nhiên với 3 phần lý, hóa, sinh; hai môn Lịch sử và Địa lý được đưa vào 1 môn chung Lịch sử và Địa lý.
Sách giáo khoa mới (Ảnh: VTC.VN) |
Nói là tích hợp nhưng trong sách giáo khoa vẫn thể hiện rõ ràng từng phần (môn Khoa học tự nhiên thể hiện 3 phần, môn Lịch sử và Địa lý thể hiện 2 phần).
Nói là một môn nhưng vẫn là giáo viên đơn môn trước đây dạy. Cái khó ở đây chính là sẽ chỉ có một đề kiểm tra, có chung một cột ghi điểm, một cột vào điểm học bạ, một lời nhận xét về năng lực học tập cũng như những lưu ý cho học sinh.
Vì thế, đã có rất nhiều băn khoăn mà giáo viên cần được giải đáp, làm rõ để tránh cho việc một môn 3 thày dạy nhưng không biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Và như thế, viễn cảnh “cha chung không ai khóc” sẽ xảy ra.
Môn nào chiếm phần trăm nhiều hơn, giáo viên đó sẽ chịu trách nhiệm chính?
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Theo thầy, một môn mà 3 giáo viên dạy thì ai sẽ chịu trách nhiệm chính khi dạy các môn tích hợp này?”.
Thầy giáo H. Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận cho biết:
“Hiện chưa có quy định gửi về nhưng theo tôi, môn học nào chiếm % kiến thức nhiều hơn thì nhà trường sẽ giao cho thầy cô giáo ấy phụ trách chính.
Ví dụ: theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết.
Theo đó lớp 6: Hóa học (20%) – Sinh học (38%) – Vật lí (32%), nên có thể sẽ phân công người chịu trách nhiệm chính là giáo viên Sinh học.
Lớp 7: Hóa học (24%) – Vật lý (28%) – Sinh học (38%), chịu trách nhiệm chính sẽ là giáo viên Sinh học.
Lớp 8: Hóa học (31%) – Vật lý (28%) – Sinh học (31%), nhà trường sẽ chọn một trong hai giáo viên chịu trách nhiệm chính là Hóa học hoặc Sinh học.
Lớp 9: Vật lý (30%) – Hóa học (31%) – Sinh học (29%), chịu trách nhiệm chính sẽ là giáo viên Hóa học.
Công việc của giáo viên chịu trách nhiệm chính là những gì?
– Người chịu trách nhiệm chính phải thường xuyên tổ chức hội ý với giáo viên hai phân môn còn lại thống nhất cách ra đề kiểm tra, phải tập hợp câu hỏi, bài tập của 2 giáo viên bộ môn ấy thành đề kiểm tra chung.
– Kết điểm bài kiểm tra, tính phần trăm (điểm bài thi) đưa vào sổ.
– Lên lịch báo giảng; Cộng điểm, tính phần trăm (điểm trung bình) và báo cáo.
– Vào học bạ và ghi phê, vào điểm trên phần mềm, ghi lời nhận xét, gửi tin nhắn cho phụ huynh.
– Ngoài ra, tổ chức hội ý đưa ra giải pháp khi có học sinh yếu kém hoặc cần nội dung bồi dưỡng nâng cao cho học sinh giỏi.
Chế độ nào cho giáo viên chịu trách nhiệm chính?
Không đơn giản là việc phân công giáo viên nào sẽ chịu trách nhiệm chính vì phân công thì chẳng vấn đề gì, điều làm cho nhà trường đau đầu nhất là, phải tính toán trả thù lao cho giáo viên chịu trách nhiệm chính thế nào?
Là giáo viên trung học cơ sở, số tiết dạy chuẩn theo quy định mỗi giáo viên 1 tuần đều 19 tiết (giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn sẽ được trừ 3 tiết đến 4 tiết).
Nay, thêm giáo viên chịu trách nhiệm chính nghĩa là thêm khá nhiều công việc mà quy định giảm trừ tiết dạy trong Điều lệ trường trung học cơ sở chưa có cho chức danh này nên nhà trường sẽ không có nguồn chi.
Không có thù lao thêm sẽ không có giáo viên nào muốn đảm nhận công việc chịu trách nhiệm chính. Bởi, thời gian dành cho công việc này cũng chẳng hề ít.
Những bất cập nêu trên, rất cần được giải đáp cụ thể của người làm chương trình, người viết sách cũng như sự chỉ đạo thống nhất từ cấp Bộ để các trường học thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đỗ Quyên
Bình luận bài viết