(GDTĐ) – Mùa thu – mùa tựu trường lại đến. 68 năm trước, 90% dân ta mù chữ. Nay, hơn 95% dân ta biết chữ. Việt Nam đã thành công bước đầu trong phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS và từng bước đối với THPT; hệ thống trường nghề, bậc học CĐ – ĐH, trên ĐH đủ chỗ cho tất cả mọi người. 68 năm qua, từ mùa thu cách mạng, nền giáo dục nước nhà đã lớn mạnh, trở thành nền giáo dục của toàn dân và đang nỗ lực trở thành một nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Khung trời mới bầu trời xanh trước mặt
Mở rộng lòng đón nắng vào ngày xanh
Cô giáo trẻ – Ngôi trường già trăm tuổi
Ước mơ nào cho những tháng ngày xanh..
1.Ngày 2/9/1945, trên Lễ đài Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông binh đầu tiên ở Đông Nam Á. Để có được vinh quang ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã âm thầm trong bóng đêm nước nhà nô lệ vận động toàn dân tộc làm một cuộc cách mạng vĩ đại, thay đổi số phận toàn dân tộc. Mùa Thu năm 1945, Tổng khởi nghĩa thành công, chính quyền về tay nhân dân. Cuộc cách mạng long trời lở đất ấy chính là khởi đầu cho một nước Việt Nam hùng cường. Kể từ đó, mùa thu được gọi là mùa thu cách mạng.
Tinh thần bất diệt của mùa thu cách mạng là ngọn gió mát lành đến với khắp dải non sông yêu dấu, cũng là ngọn lửa truyền thống vĩnh cửu giúp dân tộc ta vượt qua nhiều thử thách cam go. Đó là việc thực dân Pháp quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa, kể từ năm 1946. Nhân dân ta theo Đảng, theo Bác Hồ làm nên cuộc kháng chiến trường kỳ suốt 9 năm ròng, kết thúc với Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, một lần nữa giành lại đất nước từ tay thực dân.
Ngay sau đó, cả dân tộc lại bước tiếp vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cuộc chiến tranh giải phóng thần kỳ, cuộc đấu tranh thống nhất giang sơn. Cuộc chiến tranh thần thánh với bao mất mát, hy sinh ấy kéo dài 21 năm, cho tới ngày 30/4/1975 lịch sử, khi xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lịch sử dân tộc khắc ghi nhiều trang hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc, thống nhất giang sơn. Hôm nay, vào thời điểm 68 năm sau ngày nước nhà độc lập, chúng ta càng tự hào mình được là công dân của một nước Việt Nam – đất nước có được nhờ vào sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ cách mạng, những thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Đón bé vào lớp 1
2. Mùa thu cách mạng cũng chính là mùa thu tựu trường. Kể từ mùa thu cách đây 68 năm, nền giáo dục cách mạng đã thay thế nền giáo dục thực dân, phong kiến. Thân phận của những người từng bị coi là “vong quốc nô” đã đổi khác, trở thành công dân một nước độc lập, tự do, được làm chủ số phận của mình.
Trong những tháng ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng non trẻ biết mấy gian nan, chúng ta đã xây dựng một nền giáo dục kiểu mới, nền giáo dục tự do. Nền giáo dục ấy không đào tạo ra những người làm công bộc cho các ông chủ thực dân, cho triều đình phong kiến, mà đào tạo ra những thế hệ công dân yêu nước, phục vụ nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ngay trong mùa khai giảng đầu tiên của nền giáo dục cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi học sinh, cũng là gửi cho ngành Giáo dục và toàn xã hội. Trong thư, Người viết: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi.
Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ được tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp.
Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ được tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
(…) Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Giáo dục là nền tảng của quốc gia. Còn nhớ, khi nước nhà mới giành được độc lập, hơn 90% dân ta mù chữ. Thân phận người dân một nước nô lệ là như vậy. Bằng chính sách ngu dân, chính quyền thực dân ngăn cản việc học của mọi người, để dễ bề cai trị. Thời đó, nhà tù nhiều hơn trường học, người dân bị đầu độc bằng rượu cồn và thuốc phiện, chuyện đi học của con em nhân dân lao động là chuyện xa xỉ, không thể có.
3. Nhận thức rõ non sông đất nước có tươi đẹp, hùng cường hay không chính là từ nền tảng những công dân được đào tạo tốt, phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ đã được triển khai rầm rộ khắp từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi tới miền ngược. Cùng với quốc nạn giặc đói, giặc ngoại xâm thì giặc dốt được xác định như mục tiêu chính cần giải quyết gấp.
Tự hào thay những chiến sĩ trên mặt trận diệt giặc dốt. Người biết chữ nhiều dạy cho người biết chữ ít; người biết chữ ít dạy cho người chưa biết chữ – phong trào ấy sôi nổi trên khắp đất nước. Lúc đó, dân ta mới được học sử ta. Những anh hùng, vĩ nhân trong lịch sử dân tộc mới được định danh, thay thế cho những trang lịch sử ngoại quốc, những danh nhân xa lạ.
Tiếp bước truyền thống giáo dục từ những ngày đầu mùa thu cách mạng, nền giáo dục nước nhà đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Miền núi cao, nơi cuộc sống bà con còn rất khó khăn, điều kiện kinh tế – xã hội nhiều bất cập, thì đã có những “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Đó là những giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học, trong số họ rất nhiều người đã “Má hồng để lại, da xanh mang về”. Họ cùng ở với nhân dân thôn bản, chăm lo từng li từng tí cho các em học sinh, từ nét chữ, bài toán, cho đến miếng áo vá vai. Đến nay, hệ thống giáo dục tại các tỉnh miền núi cao, hải đảo, vùng sâu vùng xa đã phát triển với quy mô rộng khắp. Không làng nào, xã nào không có trường học.
Trường học ở những vùng khó khăn chính là minh chứng sống động khẳng định sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của ngành Giáo dục với sự nghiệp được coi là “Quốc sách hàng đầu”. Ở thành thị, nơi điều kiện kinh tế – xã hội phát triển hơn, thì đã trở thành những “đầu tàu” kéo con tàu giáo dục của nước nhà tăng tốc. Thành tích của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi Olympic quốc tế nhiều thập kỉ qua cho thấy sức bật mạnh mẽ của trí tuệ người Việt trên nền tảng giáo dục Việt Nam. Năm nào chúng ta cũng đón nhận tin vui từ những đoàn học sinh tham dự Olympic. Nhiều nhà khoa học trưởng thành từ cái nôi đào tạo là trường học Việt Nam đã cống hiến trí tuệ của mình cho nhân loại trên nhiều lĩnh vực khác nhau…
Có được thành tựu ấy là nhờ công lao của biết bao thế hệ thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cũng là nỗ lực của các thế hệ HS – SV, của toàn xã hội chung tay chăm lo cho giáo dục. Thành tựu vẻ vang ấy được khởi nguồn từ tháng 8 năm 1945, mùa thu cách mạng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nam Việt
Bình luận bài viết