Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã có văn bản yêu cầu về việc tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 trên địa bàn tỉnh này. Đáng nói, sau 1 tháng rưỡi thực hiện đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng. Như vậy, tỷ lệ này đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4.9%.
Trong quá trình tìm hiểu các thông tin bên lề chương trình dạy phụ đạo của tỉnh này chúng tôi được biết rằng, để đưa ra những quyết sách và gặt hái về những kết quả khả quan bước đầu như hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu đang có, Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học với vai trò là tham mưu cho cấp trên, trước đó cũng đã có những chuỗi ngày vất vả, thậm chí là nếm mùi… thất bại. Từ đó mới đưa ra những sách lược “sát sườn” và lên ý tưởng về chương trình gom lớp dạy phụ đạo trong các trường Tiểu học như ngày hôm nay.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Mộng Thu – Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Vũng Tàu) đã dành hết những lời “gan ruột” chỉ để thể hiện mong muốn rằng, nếu trong một điều kiện thích hợp nào đó, các địa phương khác sẽ được lan tỏa việc làm này, hướng đến một xã hội học tập chất lượng cao hơn.
Cô Nguyễn Thị Mộng Thu – Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Tiểu học diễn thuyết trong một chương trình hội thảo được Sở Giáo dục Vũng Tàu tổ chức. Ảnh: NVCC |
Khi được hỏi về những khó khăn và những kinh nghiệm đúc rút được của ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu khi thực hiện chương trình phụ đạo cho học sinh lớp 1, cô Thu khiêm tốn: “Thực ra những gì chúng tôi đã và đang làm đều muốn hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho các học sinh, mong muốn Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ không còn những trường hợp học sinh bị yếu kém về kỹ năng nữa. Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ lại những gì mà thấy là tốt và hiệu quả chứ không dám nói đó là kinh nghiệm gì cả.
Theo như tính toán và ý tưởng của chúng tôi, để có thể tìm ra các giải pháp phù hợp ngay từ ban đầu nhằm giảm được tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa hoàn thành được các yêu cầu về kỹ năng đọc viết, tính toán một cách nhanh nhất thì sau thời điểm các học sinh nhập học khoảng 1 tháng, chúng tôi cố gắng tìm mọi biện pháp để làm sao lấy được danh sách phân loại chất lượng các học sinh lớp 1 từ các trường.
Nếu làm được điều này thì việc đưa ra các phương án để cải thiện chất lượng học sinh khi mình đã khoanh vùng được các đối tượng yếu kém là rất dễ. Tuy nhiên, việc làm này của chúng tôi bước đầu bị thất bại. Việc này một phần cũng do các yếu tố nhạy cảm khi công nhận về tình trạng nhận thức, trí tuệ của học sinh mới vào lớp 1, phần nữa là thiếu sự hợp tác của một bộ phận phụ huynh nên khi triển khai, các giáo viên phụ trách cũng không thể làm gì khả quan hơn được.
Chính từ những khó khăn đó, chúng tôi mới nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu các cơ sở, cụ thể ở đây là vai trò của Hiệu trưởng trong việc quản lý và nắm bắt chất lượng đầu vào các học sinh”.
Phóng viên cũng đặt ra câu hỏi về việc, nếu vì một số yếu tố “nhạy cảm” từ phía phụ huynh khiến cho việc tạo danh sách danh sách phân loại học sinh gặp khó khăn, vậy Hiệu trưởng sẽ dựa trên những tiêu chí nào để cùng các giáo viên đánh giá, cô Thu cho biết: “Việc đánh giá, phân loại học sinh này nghe qua có vẻ khá dễ nhưng thực tế cũng không hề đơn giản, chính vì vậy sau một tháng theo dõi, chúng tôi lại tiếp tục phải ra một văn bản nữa và chính tôi là người trực tiếp đi xuống cơ sở để khảo sát.
Qua đó, Sở đã ra những văn bản yêu cầu Hiệu trưởng các trường cần tìm giải pháp để làm sao phụ đạo cho những học sinh ngay từ đầu năm học thông qua các biện pháp sàng lọc. Cộng thêm với danh sách mà các giáo viên chủ nhiệm thu thập được trong mấy tháng đầu dạy học để tổng hợp và gom các em đó vào các lớp phụ đạo riêng.
Khi đến trường nào chúng tôi sẽ khảo sát 100% học sinh lớp 1 của trường đó luôn. Tiêu chí vẫn được chúng tôi áp dụng đó là đánh giá về mức độ đọc, viết, tính toán của từng học sinh thông qua các bài kiểm tra đơn giản.
Chính vì có sự khảo sát trực tiếp đó nên chúng tôi mới nhận ra rằng, trong số các học sinh đó thì lại có những bộ phận các em bị yếu hoặc khiếm khuyết về các kỹ năng một cách không đồng đều. Có những em không biết tính toán gì nhưng lại đọc, viết một cách lưu loát, trôi chảy và ngược lại, có một bộ phận nữa lại không thể đọc được một câu từ nào trong khi tính toán lại rất giỏi và còn lại là số học sinh yếu đồng đều những kỹ năng trên.
Vì thế, chúng tôi cũng rất đau đầu khi tính đến một giải pháp phụ đạo hợp lý để làm sao trên cùng một lớp phụ đạo mà có thể dung hòa được các giải pháp với nhiều đối tượng khiếm khuyết khác nhau như vậy.
Bên cạnh đó, sau khi nghiên cứu những qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thấy rằng vẫn có những điều khoản cho phép các trường có thể tự tinh giảm một số môn học với các học sinh thuộc nhóm đối tượng này. Từ đó phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học đã tham mưu với lãnh đạo Sở để ra văn bản áp dụng phương án với những học sinh yếu về kỹ năng sẽ được cô giáo chủ nhiệm phân tách và gom hết lại hết các học sinh lớp 1 trong cùng trường để thành một lớp phụ đạo riêng. Chương trình phụ đạo cho các học sinh này chúng tôi cũng yêu cầu là thực hiện liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.
Ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thường xuyên tổ chức các Chuyên đề đề góp ý, xây dựng tiết dạy của các môn học lớp 1 cho Hiệu trưởng. Ảnh:NVCC |
Đồng thời, chúng tôi quyết định là lớp này sẽ được học riêng đến khi nào các em có thể hoàn thiện về các kỹ năng đọc, viết, tính toán thì mới trả các em về các lớp học ban đầu. Trong quá trình thực hiện, xét thấy nếu trường nào không đủ giáo viên để dạy các lớp phụ đạo thì Hiệu trưởng của trường đó phải là người trực tiếp “xắn tay” vào làm công tác phụ đạo cho các học sinh này”.
Khi được hỏi về lý do đề ra việc lãnh đạo trường phải phụ trách những lớp phụ đạo này trong khi khối lượng công việc hành chính của các Hiệu trưởng mỗi ngày vốn đã rất bộn bề, cô Thu giải thích: “Khi chúng tôi đi khảo sát, có một số lãnh đạo trường họ rất nhiệt huyết, có tâm với công việc cũng như ủng hộ mục tiêu mà những người đứng đầu ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu muốn hướng tới.
Nhưng cũng có một số Hiệu trưởng họ không thực sự sát sao trong công việc, đặc biệt là thiếu sự chỉ đạo và hướng dẫn giáo viên các phương án phụ đạo cụ thể. Thậm chí là bỏ lửng, không quan tâm và khoán trắng cho giáo viên. Việc này ít nhiều làm cho kết quả đánh giá, khảo sát mức tiến bộ của học sinh không khách quan và không đem lại giá trị thực qua chương trình phụ đạo.
Vì vậy, để cải thiện và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu chúng tôi đã trình lên lãnh đạo Sở việc cần có văn bản chỉ đạo và yêu cầu người đứng đầu trường phải trực tiếp vào cuộc phụ đạo nếu trường đó thiếu giáo viên. Việc các lãnh đạo trường khi đi sâu, đi sát với công việc thì họ mới tìm ra được phương pháp cụ thể, thích hợp với trường họ đang quản lý để áp dụng một cách hiệu quả vào những năm học tiếp theo.
Đó có thể là phương án bố trí thay giáo viên khác nếu Hiệu trưởng trường đó thấy chất lượng không đảm bảo hoặc cần thiết thì cần phải cấp tốc phân loại, kiểm tra chất lượng học sinh từ những tháng đầu tiên.
Bên cạnh đó, việc các lãnh đạo Sở và các Phòng, ban chuyên trách của Sở không có thời gian và điều kiện để bám sát hết các cơ sở để nắm tình hình thì chất lượng và sự tiến bộ của học sinh trong từng trường chỉ có người đứng đầu trường mới là người quyết định được. Từ đó có thể thấy vai trò của người lãnh đạo, cụ thể ở đây là các Hiệu trưởng nó là vô cùng quan trọng”.
Trung Dũng
Bình luận bài viết