GS. TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng suy nghĩ như thế là rất đúng. Không phải chỉ trong giáo dục, mà trong lĩnh vực nào cũng vậy. Để đổi mới căn bản, toàn diện thì phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, chiến lược . Đổi mới tư duy, hoạch định chiến lược là việc của người lãnh đạo. Người phương Tây có câu: “Quần chúng là một dãy số không (0).
Sức mạnh của nó phụ thuộc vào con số đứng trước nó là bao nhiêu.” Câu này nghe qua có vẻ trái “quan điểm quần chúng” nhưng ngẫm kỹ thấy nó có lý của nó: Giả sử có thêm vào trước dãy 6 số 0 một số 0 to tướng nữa thì kết quả vẫn là 0, nhưng thêm vào đó số 1 sẽ thành 1 triệu. Còn thêm vào số 9 dĩ nhiên sức mạnh của “dãy số quần chúng” sẽ tăng lên đến 9 lần. Câu này có ngụ ý: Vai trò tổ chức quần chúng của người đứng đầu rất quan trọng.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Phải yêu người, yêu nghề mới có thể truyền cảm hứng.
-Theo ông, một nhà lãnh đạo giỏi trong lĩnh vực giáo dục cần phải có những tố chất nào?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Hồi còn làm công tác quản lý ở trường đại học, mấy anh em chúng tôi có lúc đùa nhau: “Giả sử trường vắng Ban giám hiệu một buổi thì có gì xảy ra không nhỉ?” Câu trả lời tất nhiên là “Không!”. Nhưng nếu vắng cả một tuần? Cũng chẳng sao. Sinh viên vẫn đến trường, các thầy vẫn lên lớp, phòng ban vẫn giải quyết công việc theo nề nếp bình thường. Công việc cần đến tài chèo lái của người lãnh đạo không phải việc hành chính – sự vụ hằng ngày mà là vạch ra chiến lược và kế hoạch phát triển, xây dựng nề nếp làm việc, tập hợp anh em triển khai và đưa ra được quyết sách đúng trước những bước ngoặt, những lúc khó khăn.
-Nhưng đa phần các nhà quản lý giáo dục hiện nay đều luẩn quẩn với công tác chuyên môn, hành chính, chứ chưa thực sự làm “đúng việc” của mình là công tác lãnh đạo và dẫn dắt? Làm thế nào để giải quyết tình trạng đó, thưa GS?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Như tôi đã nói, vai trò của lãnh đạo là tổ chức công việc, chứ không phải xắn tay áo làm thay việc người khác. Trong ngành giáo dục có một thực trạng là khi chọn cán bộ quản lý thường chọn người có chuyên môn tốt.
Lẽ đương nhiên đã là lãnh đạo thì phải có chuyên môn rồi. Nhưng nếu chỉ có chuyên môn thuần túy thì rất khó, vì làm lãnh đạo phải có năng lực quản lý. Đáng buồn là trong cơ chế của ta, làm quản lý thường dễ thăng tiến hơn, có quyền lợi nhiều hơn nên tổ chức thường ưu ái cất nhắc người có chuyên môn giỏi “lên” làm quản lý, mà cũng ít nhà chuyên môn “dũng cảm” khước từ.
Nói chuyện khước từ làm lãnh đạo, tôi cứ nghĩ đến trường hợp GS. BS Tôn Thất Tùng. Ngay sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, BS Tôn Thất Tùng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Sau một thời gian ngắn đảm nhiệm chức vụ này, ông đã xin từ chức để về bệnh viện làm công tác chuyên môn.
Tôi cứ nghĩ nếu ông tiếp tục làm Thứ trưởng thì chưa chắc đã là một nhà quản lý không ai thay thế nổi nhưng có điều chắc chắn là đất nước và nhân dân sẽ thiệt thòi vì thiếu bàn tay, khối óc của một nhà phẫu thuật xuất sắc, thậm chí nền y học thế giới cũng sẽ không có phương pháp phẫu thuật tim, gan đặc sắc của Tôn Thất Tùng.
-Thưa GS, làm thế nào để một nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng và động lực làm việc, giảng dạy đến tập thể giáo viên, nhân viên bên dưới?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, phải là người yêu người, yêu nghề mới có thể truyền cảm hứng. Thứ hai, phải là người biết việc. Biết việc mới đưa ra được quyết sách đúng, chứ chỉ có nhiệt tình mà quyết định sai, khiến anh em vừa làm vừa nghi ngờ kết quả thì làm sao có thể truyền cảm hứng được ! Thứ ba, phải quan tâm đến quyền lợi vật chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên.
Nhớ lại thời chúng tôi làm việc ở trường, Hiệu trưởng là anh Phùng Hữu Phú (sau trở thành Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương). Anh Phú nhận ra một thực trạng là từ hàng chục năm trước đó, nhà trường không quan tâm đề nghị tặng thưởng huân chương cho cán bộ khoa học.
Rất nhiều nhà chuyên môn hàng đầu của trường, có những đóng góp xuất sắc cho khoa học nhưng chưa hề có tấm huân chương nào. Chúng tôi lên danh sách đề nghị. Theo quy định, muốn đề nghị huân chương hạng cao thì trước đó người được đề nghị đã phải được tặng huân chương hạng thấp hơn. Bởi vậy, có một vị giáo sư hàng đầu chưa được thưởng Huân chương Lao động bao giờ, chúng tôi chỉ dám mạnh dạn đề nghị tặng Thầy Huân chương Lao động hạng Nhì.
Rất may khi trình lên Hội đồng Thi đua, khen thưởng thì Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình không đồng ý: “Tại sao một giáo sư nổi tiếng như thế chỉ được Huân chương Lao động hạng Nhì?” Và thế là vị giáo sư được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Lãnh đạo biết người biết của, biết quan tâm đến cán bộ như vậy thì sẽ động viên được cán bộ rất nhiều. Không chỉ động viên người được tặng huân chương mà còn truyền cảm hứng lao động cho những người khác, những thế hệ tiếp theo.
– Vậy, theo GS, chính sách vĩ mô của nhà nước cần được đổi mới như thế nào để có thể hỗ trợ công tác quản lý giáo dục được tốt hơn?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục là một bộ phận của xã hội. Xã hội như thế nào thì có một nền giáo dục như thế ấy. Không thể xây dựng được một nền giáo dục tiên tiến trong một xã hội lạc hậu; không thể có một nền giáo dục phát huy được sức sáng tạo của thầy và trò trong một xã hội thiếu dân chủ; không thể mong giáo dục đạo đức cho người học đạt hiệu quả cao trong một xã hội văn hóa, đạo đức xuống cấp. Ở nước ta hiện nay, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới mạnh mẽ kinh tế – xã hội. Một nền kinh tế chỉ dựa vào gia công lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài, bán khoáng sản, chuyển nhượng đất đai, thì không có động lực cho giáo dục phát triển.
Chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu mà Đảng, Nhà nước ta đề ra cũng cần được quán triệt trong thực tế. Để thực hiện quốc sách hàng đầu này, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm, đầu tư suy nghĩ vạch ra chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục và tổ chức thực hiện bằng được chiến lược, kế hoạch phát triển ấy. Toàn xã hội cần ghé vai gánh vác và có sự đồng thuận cao để phát triển giáo dục, chứ cư xử với giáo dục như cư xử với học sinh cá biệt, quay phải không được, quay trái cũng không xong thì điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm huyết của những người làm giáo dục.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Nguyễn Thị Thúy Hồng (Thực hiện)
Bình luận bài viết