Home » Tin giáo dục » Nhà xuất bản loại 2 bộ sách giáo khoa, thiệt hại người dùng tự chịu?

Nhà xuất bản loại 2 bộ sách giáo khoa, thiệt hại người dùng tự chịu?

Bắt đầu từ năm học 2020-2021 thì ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa.

Trong đó, có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của 3 đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Năm học 2021-2022 tới đây, ngành sẽ tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ còn biên soạn và phát hành 2 bộ sách giáo khoa.

Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng: “việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa, bởi lẽ mỗi cuốn sách giáo khoa đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018”. [1]

Nhưng, có thật là “không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học” hay không?

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chủ trương hợp nhất các bộ sách giáo khoa

(Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Cùng một chương trình nhưng mỗi bộ sách giáo khoa có một triết lý riêng

Những ngày qua, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và lãnh đạo một số Sở Giáo dục đã lên tiếng là sự hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thành 2 bộ sách không ảnh hưởng đến việc dạy và học của các nhà trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẳng định: “Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả;

Tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa , phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới; Tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành.

Mặt khác, việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa , bởi lẽ mỗi cuốn sách giáo khoa đều bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Và dù học theo bộ sách giáo khoa nào thì khi kết thúc lớp 1, học đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với học lớp 1. Mặt khác, 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc biên soạn sách giáo khoa” .

Ông Nguyễn Văn Tùng còn nhấn mạnh: “Việc hợp nhất đã làm cho bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực;

Làm cho bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ hội tụ được những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. [1]

Với những nội dung chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì nhiều người thấy việc hợp nhất từ 4 bộ sách thành 2 bộ sách cũng là điều phù hợp bởi nó giảm được giá thành sản phẩm và nâng cao được chất lượng sách giáo khoa.

Suy cho cùng thì sách nào cũng bám sát vào nội dung chương trình môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018….

Nhưng, thực tế có phải như vậy hay không?

Trước đây, khi chuẩn bị cho 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 thì ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng nói rằng: “Mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng, mang bản sắc riêng”. [2]

Nói về chuyện hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa thành 2 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì Phó giáo sư Phan Doãn Thoại, Chủ biên môn Toán bộ sách Cùng học để phát triển năng lực tiếc nuối khi bộ sách giáo khoa không được biên soạn tiếp ở lớp 2 và lớp 6.

Báo điện tử VTC News dẫn lời Phó giáo sư Phan Doãn Thoại như sau:

Vị chủ biên cho rằng, việc “hợp nhất” bộ sách Cùng học để phát triển năng lực với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chỉ là cách nói, còn về bản chất thì khác.

Bởi khi có chủ trương hợp nhất này, hai nhóm tác giả của hai bộ sách cùng ngồi lại với nhau nhưng không có tiếng nói chung. Quan điểm biên soạn của hai bộ sách là quá khác biệt, hơn nữa thời gian lại quá gấp gáp để có được sự “hợp nhất” đúng nghĩa”.

Phó giáo sư Phan Doãn Thoại còn cho biết thêm: “Các môn học chính như Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên – Xã hội là của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Chỉ có môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục thể chất là lấy một phần của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực”. [3]

Như vậy, chúng ta thấy rằng ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Phó giáo sư Phan Doãn Thoại có cách nói khác với ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vẫn biết, khi ngành giáo dục chủ trương xã hội hóa các bộ sách giáo khoa thì việc các đơn vị biên soạn, phát hành sách có những chính kiến riêng của họ. Việc để 4 bộ sách hay hợp nhất thành 2 bộ sách là quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhưng, rõ ràng khi bỏ đi 2 bộ sách giáo khoa đã được nhiều trường học trên cả nước lựa chọn để giảng dạy là một sự lãng phí cho nhiều địa phương, nhà trường, phụ huynh, giáo viên cả về thời gian và tiền bạc.

Các trường học sẽ ảnh hưởng như thế nào khi 2 bộ sách giáo khoa không còn nữa?

Chúng ta đều biết, trước thềm năm học 2020-2021 thì 4 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đều có vị trí cạnh tranh bình đẳng như nhau.

Nhưng, khi năm học được triển khai thì mỗi bộ sách có một vị trí khác nhau. Bởi, có sách được nhiều trường học chọn, có sách được ít trường học chọn hơn.

Và, 2 bộ sách chiếm tỉ trọng nhỏ nhất là “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đã bị loại bỏ trong năm học tới đây.

Khi không còn sách giáo khoa: “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cũng đồng nghĩa các trường đã chọn sách này phải làm lại …từ đầu.

Bởi, năm học này thì nhà trường, phụ huynh đã mua sách giáo khoa, sách tài liệu bổ trợ. Giáo viên giảng dạy 2 bộ sách này phải tập huấn với tác giả của 2 bộ sách.

Năm nay, chọn sách mới cũng đồng nghĩa với việc sách cũ không còn giá trị sử dụng và giáo viên đang dạy lớp 1 năm nay phải tập huấn mới thêm một lần nữa.

Bởi, cho dù cùng bám sát vào nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng “mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng, mang bản sắc riêng”- như lời ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã từng phát biểu.

Các em học sinh lớp 1 năm nay khi lên lớp 2 có thể không bị ảnh hưởng nhiều nhưng giáo viên dạy lớp 1 năm nay gần như phải làm lại từ đầu vào năm học tới đây. Mọi đầu tư cho giáo án, đồ dùng dạy học, phương pháp giảng dạy năm nay sẽ gần như phải bỏ đi….

Đó là một sự lãng phí và có phần làm khổ giáo viên lớp 1 của các trường đã dạy sách: “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” trong năm học này.

Lẽ nào sự “hợp nhất” này lại “hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh” hay sao?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hop-nhat-de-sgk-toan-dien-ve-chat-luong-va-gia-thanh-pElKc08GR.html

[2]https://tuoitre.vn/nxb-giao-duc-cong-bo-bon-bo-sach-giao-khoa-lop-1-moi-20191024101456735.htm

[3]https://vtc.vn/hai-bo-sgk-bien-mat-chu-bien-tiec-nuoi-khi-khong-tim-duoc-tieng-noi-chung-ar600681.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY

Bình luận bài viết

x

Check Also

Học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn “nói không với điện thoại trong buổi học”

Giờ đây, thay vì cúi xuống nhìn điện thoại, các em có thời gian ngước ...