Phần đông các học sinh phải phụ đạo có vấn đề về tâm lý, trí tuệ
Ngày 24/2/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản số 368/SGDDT-MNTH về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 01/3/2021 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ 1 trên địa bàn tỉnh này.
Việc làm này xuất phát từ lo ngại của ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau khi thống kê kết quả đến hết học kì 1 năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh số lượng học sinh chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán là 2.239 trên tổng số 23.798 học sinh, chiếm tỷ lệ 9.4%, rải đều trên tất cả các địa phương, từ thành thị đến nông thôn. Con số này được cho là khá cao so với những năm trước đây.
Đáng nói, sau thời gian thực hiện tính từ ngày 01/3 đến 15/4/2021, đã có 1096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng. Như vậy, tỷ lệ này đã được kéo giảm từ 9,4% xuống còn 4.9%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các học sinh bị yếu về kỹ năng đọc, viết, tính toán (không chỉ riêng với khối lớp 1) mà ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu phải bố trí dạy phụ đạo thời gian vừa qua, phần đông trong đó là các học sinh bị mắc phải các vấn đề về tâm lý, trí tuệ. Việc này khiến mục tiêu kéo giảm tỷ lệ cho học sinh yếu kỹ năng ở tỉnh này xuống con số thấp nhất càng khó khăn gấp nhiều lần hơn so với việc chỉ phụ đạo cho các học sinh phát triển bình thường.
Cô Trần Thị Nhàn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thắng Nhất, Thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Nhàn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thắng Nhất, Thành phố Vũng Tàu – ngôi trường được coi là đi đầu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc áp dụng chương trình phụ đạo và nâng cao sự tiến bộ cho các học sinh yếu kỹ năng cho rằng, với những trường hợp này nhà trường còn có cả chiến lược “trường kỳ” chứ không phải ngày một, ngày hai mà cải thiện được. Chỉ cần phụ huynh thấu hiểu và đồng lòng thực hiện thì ước mơ về một môi trường giáo dục không có học sinh yếu kém của Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ không còn xa vời nữa.
Trước câu hỏi, với những học sinh gặp vấn đề về tâm lý, trí tuệ thì trong quá trình dạy phụ đạo cho các em, cái khó mà các thầy cô gặp phải là gì, cô Nhàn không chút do dự mà bộc bạch ngay:
“Trước hết, với những trường hợp đang được đề cập tới, tôi xin gọi theo một cách “sát sườn” nhất đó là những bạn khuyết tật để cho mọi người có thể hiểu hết được về sự vất vả của các thầy cô giáo khi phải phụ trách các lớp này. Cũng như nhìn thấy được sự nỗ lực đến mức độ như thế nào của đội ngũ giáo viên thì mới tạo ra được sự tiến bộ của các em như ngày hôm nay.
Theo thống kê, các học sinh bị yếu về kỹ năng cần phải dạy phụ đạo rơi vào các trường hợp bị các vấn đề về tâm lý, trí tuệ trong toàn trường Tiểu học Thắng Nhất mà có đầy đủ giấy tờ hồ sơ công nhận từ địa phương về các dạng khuyết tật là khoảng 37 em.
Còn một bộ phận các học sinh khác cũng bị tương tự nhưng phụ huynh vì ngại với dư luận xã hội mà không chấp nhận con cái mình bị như thế cũng vào khoảng 10 – 15 em. Còn các học sinh có thể chất, trí tuệ bình thường nhưng học lực yếu buộc phải áp dụng chương trình phụ đạo tăng cường vừa qua là khoảng 10 em.
Với những trường hợp khuyết tật không có giấy tờ, dù giáo viên có nhận biết ra nhưng cũng không dám ép phụ huynh phải làm thủ tục công nhận. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn âm thầm áp dụng chế độ giáo dục cá nhân cho các em đó. Qua thời gian, những học sinh tiến bộ bình thường thì không sao, nhưng một số em trong 2 – 3 năm vẫn không thay đổi thì buộc chúng tôi phải phối hợp và động viên phụ huynh cho con đi khám. Điều này ít nhiều cũng làm kéo dài thời gian phụ đạo cho các học sinh.
Thực tế, các em này bị khuyết tật về nhiều thứ lắm chứ không riêng gì khiếm khuyết về mặt trí tuệ. Vì vậy, khi bố trí giáo viên phụ đạo chúng tôi cũng phải lập ra một phương án giáo dục mang yếu tố cá nhân với những em bị nặng mà không theo kịp chương trình. Còn những bạn khác có mức độ nhẹ hơn thì ngoài việc cho giáo viên quan tâm đặc biệt hơn trên lớp học chính khóa thì các cô cũng phải dành thêm nhiều thời gian hơn giống như một tiết dạy cá nhân để phụ đạo và hướng dẫn thêm cho em đó dựa trên các đồ dùng trực quan.
Bên cạnh đó, cho dù yêu cầu các giáo viên phụ trách phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và có nhận lại được sự hỗ trợ nhưng cái khó khăn nhất là mỗi trường hợp như vậy lại có những điểm khiếm khuyết khác nhau, muôn hình vạn trạng mà lực lượng giáo viên lại mỏng, để bố trí bám sát hết cho từng em là không xuể”.
Muốn học sinh khuyết tật tiến bộ cần cái tâm của nhà giáo
Khi được hỏi về các trường hợp này khiếm khuyết nhiều thứ và không em nào giống nhau, vậy thì quá trình đánh giá sự tiến bộ của các học sinh này nhà trường sẽ dựa trên tiêu chí như thế nào, cô Nhàn cho biết:
“Thực tế có những học sinh các giáo viên dạy từ đầu năm đến cuối năm mà các bạn cũng không nhớ được chữ nào. Vì thế, khi đánh giá về sự tiến bộ của các bạn đó chúng tôi cũng phải có một khung riêng với từng bạn, không hẳn là dựa trên tiêu chí tiến bộ về kiến thức.
Đó có thể là về các kỹ năng khác như giao tiếp xã hội, ngôn ngữ hoặc hành vi tự phục vụ…, những việc mà trước đây các bạn ấy không thể tự làm được. Khi thấy các bạn đó có sự cải thiện là chúng tôi cũng thở phào vì biết việc mình làm đang có những biến chuyển tốt.
Một lớp học phụ đạo với khoảng hơn chục học sinh nhưng lúc nào cũng phải thường trực 2-3 giáo viên để có thể kèm cặp từng học sinh. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Việc này cũng được khảo sát rất kỹ từ đầu năm thông qua rất nhiều nguồn thông tin, sau đó chúng tôi sẽ xây dựng mục tiêu theo năm, theo học kỳ. Thậm chí chúng tôi còn tổ chức đánh giá theo 2 tháng một lần, để có những phương án điều chỉnh ngay. Nhìn chung, hầu hết các em thông qua quá trình phụ đạo đều có sự tiến bộ”.
Khi đề cập đến việc, những học sinh có vấn đề về tâm lý, trí tuệ thường được các phụ huynh chọn các trường hoặc trung tâm chuyên nghiệp để gửi gắm, tại sao trường Tiểu học Thắng Nhất lại không định hướng cho phụ huynh ngay từ ban đầu để các giáo viên đỡ vất vả, cô Nhàn bày tỏ:
“Thứ nhất, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật thì đã có trong luật giáo dục và Thông tư quy định trách nhiệm của nhà trường với việc này, nên chúng tôi cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, chúng tôi cũng muốn dành sự quan tâm cho các em rơi vào các hoàn cảnh yếu thế hơn các bạn khác. Trên quan điểm đó, khi phụ huynh gửi con vào đây chúng tôi nhận hết, chứ không có chuyện ngay lập tức giới thiệu phụ huynh cho con đi trường này hay trường khác, mặc dù các trường chuyên biệt dành cho cho các em này trên địa bàn tỉnh cũng khá phổ biến.
Tuy nhiên, trong quá trình phụ đạo chúng tôi cũng đặt ra mốc thời gian để kiểm tra sự tiến bộ của em đó thông qua sự giúp đỡ của thầy cô và các tổ chức trong trường nhằm tạo điều kiện hết mức để các em hòa nhập. Những trường hợp nào quá đặc biệt mà chuyên môn, nghiệp vụ của nhà trường không thể làm các em đó tiến bộ lên thì khi đó chúng tôi mới chấp nhận giới thiệu các em đó sang trường khác.
Thực tế, khi tiếp nhận các học sinh này chúng tôi cũng đã lường trước những sự cố, nhiều bạn bị tăng động có thể đánh, chửi nhau với bạn và cả giáo viên hoặc là nhảy lên bàn hay leo cầu thang nhảy xuống đất..v.v.. Vì thế trong việc này, môi trường giáo dục cần có cái tâm của các giáo viên đặt vào đó thì mới có thể vượt qua được những khó khăn và đem lại những kết quả thực chất”.
Cô Nhàn cho biết, từ những sự cố gắng đó của tập thể cán bộ giáo viên trường Tiểu học Thắng Nhất, khoảng 80 – 90% trong tổng số gần 50 học sinh bị khiếm khuyết kỹ năng đã có sự tiến bộ đối chiếu theo tiêu chí đánh giá của chương trình giáo dục cá nhân. Còn với những học sinh phát triển bình thường về trí tuệ và thể chất nhưng bị yếu về kỹ năng đọc, viết, tính toán qua đợt cao điểm tăng cường phụ đạo vừa qua thì đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 7/10 học sinh tiến bộ rõ rệt.
Trung Dũng
Bình luận bài viết