Home » Tin giáo dục » Sinh viên nghiên cứu khoa học: Đề cao tính ứng dụng và khởi nghiệp

Sinh viên nghiên cứu khoa học: Đề cao tính ứng dụng và khởi nghiệp

Không chỉ là đặc quyền của SV năm cuối

Đánh giá về các sản phẩm tham dự triển lãm công nghệ – BKDN- Techshow 2017, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) – cho biết: “Từ các công trình NCKH của SV, nhà trường đã chọn được 90 sản phẩm công nghệ và 117 posters để triển lãm BKDN Techshow. Hầu hết các sản phẩm của các đề tài đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp.

Trong năm học 2016 – 2017, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có 282 đề tài SV nghiên cứu khoa học (NCKH) với sự tham gia của 663 SV. Đây không còn là “đặc quyền” của các SV năm cuối nữa mà đã thu hút sự tham gia của SV các năm khác với 266 SV năm thứ 4, 76 SV năm 3 và 64 SV năm 2 tham gia.

Tất cả các khoa và các chương trình đào tạo tinh hoa (Trung tâm xuất sắc, PFIEV) đã tổ chức Hội nghị SV NCKH tại đơn vị với tổng cộng 177 báo cáo tại 15 tiểu ban chuyên môn đã tạo nên chuỗi các hoạt động sôi nổi và rộng khắp lan tỏa đến các khoa và chương trình đào tạo của nhà trường.

“Các khoa, chương trình đào tạo với các phương thức tổ chức Hội nghị SV NCKH cấp khoa khác nhau tạo nên sự phong phú và đa dạng trong hoạt động này như việc trình bày và trao đổi dưới dạng poster của Chương trình tiên tiến, trình diễn trên dạng thiết bị của khoa Cơ khí, thành lập nhiều tiểu ban chuyên môn với một số chuyên gia từ các doanh nghiệp để đánh giá đề tài của khoa Xây dựng – Cầu đường” – GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa – nhận xét.

Ngoài việc giúp SV hệ thống hóa lại các kiến thức đã được trang bị trong nhà trường, NCKH còn giúp SV phương pháp làm việc khoa học, cách thức làm việc nhóm và hỗ trợ giảng viên giải quyết một vấn đề nào đó trong đề tài lớn. Mặc khác, thông qua nhu cầu thực tế tại các doanh nghiệp địa phương, một số đề tài sinh viên đặc biệt là các đề tài tham dự giải thưởng đều đạt kết quả nhất định.

Chú trọng tính ứng dụng

Các đề tài NCKH của SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phần lớn đều xuất phát từ thực tế sản xuất như được thực hiện tại các công ty như Foster, JFE, Sinko Technos hoặc nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư nghiên cứu đến Giải thưởng INSSEE, Bosch Engineering, Texas Instrument, Doosan Vina, Thaco, Daikin, Lọc hóa dầu Bình Sơn… Nhiều đề tài được đánh giá rất hay về ý tưởng, có tính thực tiễn cao, có thể tạo thành sản phẩm nếu được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Trong đó, có những ý tưởng có thể chuyển giao ngay công nghệ.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, các đề tài NCKH của SV ngày càng sát sườn hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy – học, bớt tính lý thuyết và hàn lâm. Điều này chứng tỏ các SV đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống, nhu cầu trong phát triển KT-XH của địa phương, thực tiễn và yêu cầu của giảng đường, nhu cầu trong sinh họat, học tập của chính các em…

“Các môi quan tâm của SV nhà trường tập trung vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ hoạt động khởi nghiệp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt như chế tạo máy phay CNC 5 trục, bê tông tự lèn mác cao, hệ thống tự động bù công suất phản kháng, hệ thống hóa khí từ mùn cưa… Có những đề tài mang tính ứng dụng, phục vụ cho kinh tế thành phố Đà Nẵng như chế tạo mô hình tàu 3 thân phục vụ du lịch trên sông Hàn, đề tài ứng dụng công nghệ cao đến các sản phẩm bảo vệ môi trường, ứng dụng năng lượng mới, phát triển bền vững như đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm, hệ thống lường nhiên liệu xăng – hydro, hệ thống cảnh báo sạt lở đất…

Ngoài ra, nhiều đề tài có tính nhân văn cao như máy viết chữ cho người mù, bàn tay chuyển ngữ cho người khiếm thính…” – PGS.TS Nguyễn Đình Lâm cho biết. 

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...