Home » Tin giáo dục » Sở Giáo dục Huế đề nghị Bộ hướng dẫn thêm về quy định mới xếp hạng giáo viên

Sở Giáo dục Huế đề nghị Bộ hướng dẫn thêm về quy định mới xếp hạng giáo viên

Liên quan đến những quy định về việc thăng hạng, xếp bậc lương, các tiêu chuẩn nghiệp vụ… được quy định trong các Thông tư 01, 02, 03 và 04 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành đã gây nên những băn khoăn, lo lắng trong đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh những đánh giá tích cực của các giáo viên, nhà quản lý giáo dục khi quy định mới đã bãi bỏ các chứng chỉ về Tin học, Ngoại ngữ, vốn đã lạc hậu và gây tốn kém cho giáo viên thì vẫn còn nhiều nội dung trong các Thông tư này gây tranh cãi.

Trong đó, việc bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên đã khiến nhiều giáo viên đổ xô đi học để đáp ứng.

Nhiều giáo viên còn băn khoăn, lo lắng bởi những quy định trong các Thông tư mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Ảnh: AN

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về những quy định trong các Thông tư này, ông Nguyễn Tân – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết, về cơ bản, các Thông tư từ số 01 đến 04 đều đã có những quy định khá cụ thể.

Tuy nhiên, trong giai đoạn giao thời hiện nay (Thông tư mới phải đến ngày 20/3 mới có hiệu lực) nên Sở Giáo dục muốn hỏi Bộ Giáo dục kỹ hơn để triển khai có hiệu quả, tránh các sai sót không đáng có.

Bởi lý do trong những Thông tư này vẫn còn nhiều băn khoăn, chưa được thuận tiện và bảo đảm đủ quyền lợi cho giáo viên khi thực hiện.

“Thứ nhất, những giáo viên được công nhận về xếp hạng trước đây rồi, giờ áp dụng theo Thông tư mới nếu không đáp ứng thì xử lý ra sao cho phù hợp?

Ví dụ, một giáo viên trung học phổ thông hạng 1 đã được công nhận rồi, chế độ cũng nhận rồi, xếp lương, xếp ngạch cũng rồi.

Nhưng giờ theo Thông tư mới đây thì quy định rằng, nếu như công nhận rồi mà thiếu bằng Thạc sĩ chẳng hạn thì phải xếp hạng theo cái cũ đã.

Còn bao giờ mà có bằng Thạc sĩ đó, đủ điều kiện thì mới được hưởng xếp lương theo hạng mức quy định anh đã đạt.

Giờ nếu đưa ra áp dụng ngay thì sẽ phải chuyển lại bậc lương của các thầy cô thì nó cũng rắc rối, phức tạp hơn.

Vấn đề là mình hỏi kỹ hơn để làm cho đồng bộ. Cách làm như thế nào để hợp lý. Quy định đã rõ nhưng còn cách làm cũng là một vấn đề nữa”.

Ông Tân nói thêm, thứ hai, theo quy định thì nhiều giáo viên Trung học cơ sở từ hạng 2 lên hạng 1 thì phải có bằng Thạc sĩ.

Nếu chưa có bằng Thạc sĩ thì nằm ở hạng 2, có trường hợp quay về lại hạng 3 nữa nếu giáo viên đó chưa có đủ những chứng chỉ về thăng hạng.

Giờ giáo viên phải khắc phục bằng cách học để có các chứng chỉ bổ sung vào mới đủ tiêu chuẩn giáo viên hạng 2, nếu không thì ăn lương hạng 3 chẳng hạn.

Đó là những vấn đề mà giáo viên còn thiếu nếu chiếu theo các Thông tư này, cho nên việc này phải đợi một vài hướng dẫn của Bộ.

“Giáo viên cũng không phải vội vàng đi học để có được các chứng chỉ, để được cấp thời.

Bởi quy định này thời gian dài chứ không phải ngày 1 ngày 2. Nên để thực hiện thì Sở đang hỏi ý kiến Bộ và chưa có chỉ đạo gì với các Phòng Giáo dục và trường trực thuộc.

Sở sẽ tiến hành rà soát và sẽ có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên trong việc bồi dưỡng tự học hay bồi dưỡng đào tạo nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên được hưởng theo ngạch bậc của họ đã đạt”.

Ông Tân cũng khuyến cáo thêm, Thông tư vừa ban hành nên không phải bắt áp dụng liền mà phải có rà soát trong thực tế để áp dụng phù hợp mới triển khai.

Còn chỗ nào chưa yên tâm thì phải đợi hướng dẫn kỹ càng từ phía Bộ. Bởi thực tế, nếu vội vàng thì cũng sẽ xảy ra tình trạng đổ xô đi học, mà lúc đó chất lượng lại không đảm bảo…

“Những quy định trong Thông tư thì tốt rồi nhưng trong buổi giao thời thực hiện thì cần có sự hướng dẫn để triển khai đồng bộ, thống nhất.

Nội dung những Thông tư này đã đảm bảo được quyền lợi của giáo viên. Theo đó, giáo viên muốn nâng hạng, nâng ngạch thì đánh giá vào năng lực chuyên môn, đánh giá vào trình độ đào tạo…

Còn lại Ngoại ngữ và Tin học thì trong các tiêu chí đánh giá đã không còn yêu cầu phải có bằng, nhưng phải đủ điều kiện để áp dụng vào việc nâng cao chất lượng dạy học… Tuy nhiên, việc thực hiện cần có thời gian”, ông Tân nói.

AN NGUYÊN

Bình luận bài viết

x

Check Also

Học sinh THPT Nguyễn Xuân Ôn “nói không với điện thoại trong buổi học”

Giờ đây, thay vì cúi xuống nhìn điện thoại, các em có thời gian ngước ...