Home » Tin giáo dục » SEQAP đóng góp quan trọng vào chương trình bồi dưỡng giáo viên quốc gia

SEQAP đóng góp quan trọng vào chương trình bồi dưỡng giáo viên quốc gia

Hoạt động bồi dưỡng tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của SEQAP nhằm bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tiểu học (ở Sở, phòng GDĐT), cán bộ quản lý các trường và giáo viên tiểu học về các kỹ năng cần thiết để giám sát, quản lý, lập kế hoạch, tổ chức, hỗ trợ và thực hiện dạy học cả ngày (FDS) có hiệu quả.

Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), bồi dưỡng để giáo viên biết giao tiếp bằng tiếng DTTS, đào tạo đội ngũ cán bộ đánh giá về chuẩn nghề nghiệp và nghiệp vụ quản trị trường tiểu học thực hiện FDS thông qua hoạt động đảm bảo chất lượng và đánh giá hằng năm.

Số tài liệu/mô đun tập huấn vượt chỉ tiêu quy định

Thực hiện mục tiêu xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học về mô hình FDS; về tổ chức, quản lý; về áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng, thực hiện mô hình trường tiểu học áp dụng FDS, SEQAP đã nghiên cứu xây dựng mới, hoàn thiện các chương trình, tài liệu tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ đáp ứng yêu cầu xây dựng và thực hiện mô hình trường tiểu học tham gia SEQAP. Theo đó, tổng số 18 tài liệu/mô đun đã được SEQAP chủ trì hay đồng chủ trì biên soạn.

SEQAP cũng xây dựng các mô đun bồi dưỡng chuyên đề tại trường hay cụm trường tiểu học, giúp giáo viên củng cố, hệ thống hóa kiến thức (ví dụ các kiến thức văn miêu tả ở lớp 4, lớp 5, dạy Toán có lời văn), rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Những chuyên đề này do các tổ chuyên môn của trường, hay liên trường tiểu học xây dựng lên nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ giáo viên tiểu học tại địa phương.

Đáng ghi nhận là số lượng tài liệu/mô đun tập huấn xây dựng được đã vượt chỉ tiêu quy định (16/13 đơn vị tài liệu/mô đun). Ngoài ra, SEQAP đã hỗ trợ xây dựng và cung cấp tài liệu, đĩa hình cho 63 tỉnh thành để nghiên cứu sử dụng 2 tài liệu do Bộ GDĐT phát hành, đó là: Phương pháp Bàn tay nặn bột và Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục.

Nội dung các tài liệu/mô đun tập huấn đã đáp ứng được các yêu cầu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện mô hình FDS tại trường tiểu học thuộc những vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và vùng DTTS.

Kinh nghiệm hướng dẫn các trường tự xây dựng mô đun bồi dưỡng chuyên đề cách làm đúng hướng, bồi dưỡng những vấn đề giáo viên còn thiếu, còn yếu và đang có nhu cầu. Hình thức này giúp áp dụng phương pháp bồi dưỡng đồng đẳng rất có hiệu quả. Do đó, nếu nhân được các kinh nghiệm này trong thực tiễn sẽ tạo ra sự thay đổi quan trọng trong nội dung, phương pháp xây dựng tài liệu và tổ chức bồi dưỡng.


SEQAP tổ chức các cuộc tập huấn sâu về chuyên môn (Ảnh SEQAP)

 

Nỗ lực bền bỉ xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán chuyên môn hóa, ổn định

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán chuyên môn hóa và ổn định là một nỗ lực bền bỉ của SEQAP trong 7 năm thực hiện. Đội ngũ này đã được hình thành trong từng trường tiểu học, có năng lực chuyên môn và thông thạo các kỹ năng sư phạm. Nhờ đó, nhiều nội dung bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên tiểu học đã được liên tục thực hiện, tạo ra sự phát triển trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.

Điểm nổi bật trong công tác bồi dưỡng của SEQAP là đã chú trọng đổi mới phương pháp bồi dưỡng, tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý, chuyển sang hình thức bồi dưỡng tại chỗ, phát triển nghề nghiệp thông qua thực tế hành nghề và hỗ trợ tự học, tự bồi dưỡng bằng việc cung cấp tài liệu qua Thư viện số SEQAP-Online.

Để đảm bảo chất lượng tập huấn bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên cốt cán cho các địa phương, Ban quản lý SEQAP đã xây dựng kế hoạch, lựa chon đối tượng để tham gia bồi dưỡng. Đối tượng được cử tham gia bồi dưỡng báo cáo viên cốt cán là những giáo viên tiểu học giỏi, cán bộ chuyên môn phụ trách tiểu học ở Phòng GDĐT, Sở GDĐT tham gia SEQAP.

Tiến trình tập huấn bồi dưỡng báo cáo viên cốt cán cho các địa phương của Ban quản lý SEQAP Trung ương thực hiện từ năm 2010 đến năm 2014 ở tất cả các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP triển khai thực hiện FDS. Đã có 8.217 báo cáo viên cốt cán tham dự tập huấn bồi dưỡng, vượt chỉ tiêu đề ra 3,3 lần. Số lượt báo cáo viên cốt cán các địa phương được SEQAP Trung ương tập huấn/đào tạo bồi dưỡng theo mô đun tài liệu: khoảng 20.250 lượt báo cáo viên cốt cán được bồi dưỡng 18 mô đun.

Nâng cao nhiệt tình, trách nhiệm nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học

Từ năm 2010 đến 2015, trên cơ sở Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch năm đã được Bộ GDĐT phê duyệt, với đội ngũ báo cáo viên cốt cán đã được tập huấn bồi dưỡng, Ban quản lý SEQAP đã hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai hoạt động tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học tại địa phương với 18 mô đun.

Công tác tập huấn bồi dưỡng thực hiện theo 2 cấp. Ở Trung ương, báo cáo viên của SEQAP bồi dưỡng báo cáo viên cốt cán cho địa phương. Ở địa phương, báo cáo viên cốt cán bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trong và ngoài SEQAP của địa phương mình.

Hầu hết các Sở GDĐT đều tổ chức tập huấn các mô đun của SEQAP cho cán bộ quản lý và các mô đun cho giáo viên chuyên biệt của các trường tiểu học tham gia SEQAP tại tỉnh.

Một số Sở giao cho phòng GDĐT tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý còn lại tập trung tại huyện, theo cụm trường hay trường tiểu học tùy theo điều kiện cụ thể cũng như yêu cầu của mỗi địa phương.

Ngoài việc tổ chức bồi dưỡng đại trà, Ban quản lý SEQAP còn yêu cầu các Sở GDĐT tập huấn chuyên sâu cho giáo viên và cán bộ quản lý một số mô đun quan trọng như: Quản lý hoạt động dạy và học; xây dựng kế hoạch dạy học; áp dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở trường tiểu học thực hiện FDS. Có 18/18 mô đun tài liệu được tập huấn.

Tác động có ý nghĩa của công tác tập huấn bồi dưỡng là nâng cao nhiệt tình, trách nhiệm nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học, thúc đẩy sự nỗ lực vươn lên, thương yêu gắn bó với học sinh, phối hợp giáo dục nhà trường với gia đình và cộng đồng hiệu quả hơn. Thúc đẩy giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn…

Công tác tập huấn đã nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp dạy học cho giáo viên tiểu học và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học, thúc đẩy ý thức nỗ lực học tập nâng cao trình độ cả kiến thức, kỹ năng và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để nâng cao tay nghề chuyên môn.

Bình luận bài viết

x

Check Also

Ngoại khóa “Tuyên truyền phổ biến pháp luật”

Sáng thứ 2 ngày 09/5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn phối hợp với Công an ...